Để chủ động bảo vệ sức khỏe người ở trọ, các chủ nhà trọ đang đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường các giải pháp phòng dịch tại các khu nhà trọ. Việc làm này góp phần nâng cao ý thức của người dân trong tham gia phòng, chống dịch bệnh.
Công tác tuyên truyền người dân phòng, chống dịch bệnh đang được các địa phương đẩy mạnh
Phát huy vai trò chủ nhà trọ
Thời gian qua, TP.Thuận An là một trong những địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng. Các loại dịch bệnh đang lưu hành tại địa phương, như: Sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng và các bệnh về hô hấp. Do thời tiết diễn biến thất thường cộng với đặc điểm là địa phương tập trung nhiều nhà trọ, đông dân cư nên thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh.
Hơn 1 tháng qua, vào các ngày nghỉ cuối tuần, ông Hồ Thanh Tâm, chủ nhà trọ Thu Hoa, khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, TP.Thuận An huy động người ở trọ cùng dọn dẹp vệ sinh dãy nhà trọ sạch sẽ, sắp xếp các phòng trọ ngăn nắp. Ông Tâm cũng đến từng phòng trọ phát tờ rơi, kêu gọi người ở trọ nâng cao ý thức phòng dịch bệnh. Qua đó, ông Tâm đã khuyến cáo mọi người trong khu nhà trọ thực hiện vệ sinh nơi ở, diệt lăng quăng, diệt muỗi, hướng dẫn cách xử lý môi trường, cách rửa tay, giữ vệ sinh cho trẻ, sử dụng Cloramin B để khử khuẩn đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Được biết, khu nhà trọ này có khoảng 600 phòng trọ.
“Để chủ động phòng dịch SXH tại các khu nhà trọ công nhân, cả chủ nhà trọ và người thuê trọ cần có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông các nơi đọng nước và loại bỏ vật chứa nước để chặt đứt môi trường sinh trưởng của muỗi truyền bệnh SXH”.
(Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế)
|
TP.Tân Uyên cũng là một trong những địa phương có đông người lao động sinh sống trong các khu nhà trọ. Ông Đỗ Minh Nguyên, chủ nhà trọ ở tổ 1, khu phố Bình Khánh, phường Khánh Bình, cho biết: “Nhà trọ của gia đình tôi có 150 phòng. Mỗi ngày tôi đều xuống các phòng trọ vận động giữ vệ sinh môi trường thông thoáng. Với các gia đình ở trọ có con dưới 5 tuổi, tôi yêu cầu cần nâng cao ý thức phòng bệnh, khi phát hiện trẻ bị sốt cần theo dõi và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị”. Chị Nguyễn Thanh Thúy, người ở trọ tại phường Tân Hiệp, TP.Tân Uyên, cho biết: “Dãy trọ tôi ở gần mương nước rất dễ phát sinh lăng quăng, SXH nên gia đình đã chủ động dọn dẹp, không để nước đọng, nước tù tại các vật dụng, thường xuyên lau dọn nhà cửa, không để muỗi trú ẩn và sinh sản”.
Để chủ động phòng dịch bệnh SXH tại các khu nhà trọ công nhân, tổ chức công đoàn cùng các ngành, địa phương trong tỉnh cần chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động trong công tác phòng chống, không để bệnh SXH lây lan trong cộng đồng, nhất là ở các khu nhà trọ. Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết: “Việc bảo vệ sức khỏe người lao động để bảo đảm sản xuất là rất quan trọng. Vì vậy, các cấp công đoàn, chủ nhà trọ và doanh nghiệp cần thông tin thường xuyên tình hình dịch bệnh SXH đến người lao động và phối hợp với ngành y tế hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa kịp thời. Các doanh nghiệp cần quan tâm đến chất lượng bữa ăn mỗi ca làm việc giàu dinh dưỡng, bảo đảm sức đề kháng tốt để có thể làm việc hiệu quả. Người lao động cần có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung tại phòng trọ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, không ảnh hưởng đến công việc, thu nhập và đời sống”.
Khắc phục khó khăn phòng, chống SXH
Được biết, hiện bệnh SXH Dengue thường được phát hiện trễ nên khi người dân đến khám tại cơ sở y tế thì dịch đã lan rộng trong cộng đồng, gây khó khăn trong việc khoanh vùng xử lý ổdịch. Bệnh nhân vào bệnh viện cũng đã chuyển nặng, khiến cho công tác điều trị gặp khó khăn. Theo thống kê của ngành y tế, hiện công tác phòng, chống dịch bệnh SXH Dengue còn gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể công tác phòng, chống véc tơ gặp khó do một số biện pháp diệt bọ gậy, lăng quăng chưa đạt hiệu quả cao, thiếu nguồn lực cộng tác viên để thực hiện giám sát vật chứa nước có lăng quăng tại hộ gia đình. Hoạt động giám sát côn trùng tại các địa phương không thực hiện thường xuyên, liên tục dẫn đến việc không thể cảnh báo trước được khả năng bùng phát dịch tại các địa phương.
Hơn nữa, toàn tỉnh vẫn đang thiếu nhân lực y tế cơ sở nên việc duy trì hoạt động giám sát côn trùng không thực hiện đúng quy định. Khó khăn lớn nhất của ngành y tế hiện nay là thiếu lực lượng y tế cơ sở khi triển khai các hoạt động phòng, chống dịch SXH Dengue. Sau cao điểm dịch bệnh Covid-19, hàng loạt nhân viên y tế cơ sở nghỉ việc đã gây không ít khó khăn cho hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Cán bộ chuyên trách tuyến huyện, tuyến xã phải đảm nhận thực hiện nhiều chương trình, áp lực công việc lớn.
Trong tình hình hiện nay, hóa chất diệt côn trùng đóng một vai trò quan trọng trong phòng, chống véc tơ truyền bệnh SXH Dengue. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, muỗi tăng khả năng thích ứng với hóa chất diệt côn trùng, một số nơi muỗi đã kháng hóa chất nên dẫn đến việc sử dụng hóa chất không đạt hiệu quả như mong muốn.
HOÀNG LINH