Cứ đến dịp 27.7, chúng tôi lại nhớ đến những việc tri ân thầm lặng, tấm lòng của bạn đọc, của các thế hệ làm báo Thanh Niên phía sau mỗi bài viết về thương binh – liệt sĩ.
Cuối năm 2016, chúng tôi về Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tìm Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) Nguyễn Xuân Trường và viết câu chuyện ông trực tiếp chiến đấu, bảo vệ biên giới Sìn Hồ (Lai Châu), tháng 2.1979. Đang nói chuyện thì trời mưa, ông kéo tôi chạy xuống… nhà bếp và thành thật: “Nhà cũ quá, mưa gió xuống bếp trú, lỡ có bề gì mái lá cũng an toàn hơn”.
Chi tiết này được tôi đưa vào bài viết Người trồng rừng trên rú Ngàn Chô, đăng trên Thanh Niên đúng ngày 17.2.2017. Ngay sau đó, Quỹ Sống để yêu thương (Live To Love) Việt Nam đã đặt vấn đề muốn cải thiện nơi ở cho ông Trường. Với sự đồng hành của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, chính quyền địa phương và bà con nhân dân xã Kỳ Lạc (Kỳ Anh, Hà Tĩnh)…, ngôi nhà đã được sửa chữa toàn diện, bàn giao cho gia đình cuối tháng 5.2017. Bây giờ, cứ ai đến thăm là người anh hùng – thương binh Nguyễn Xuân Trường lại khoe: “Có bạn đọc Báo Thanh Niên, mưa gió to đến mấy, tui cũng yên tâm, khỏi phải trú ẩn như hồi ở… chiến trường”.
Giữa năm 2018, chúng tôi lên Cao Bằng thực hiện loạt bài về Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đại tá Ma Quang Nghị (nguyên Chính trị viên Đồn biên phòng Lũng Nặm, Bộ đội biên phòng Cao Bằng) kể: “2 người lính đầu tiên ngã xuống, ngày 17.2.1979, trên tuyến biên giới phía Bắc là thượng úy Nông Văn Việt (Đồn trưởng Đồn biên phòng Lũng Nặm) và chiến sĩ Hà Văn Dân, lúc 3 giờ sáng”.
Chúng tôi lên Đồn biên phòng Lũng Nặm mới biết nhà bia ghi tên 13 liệt sĩ của đơn vị, xây dựng từ những năm 1992 – 1993 giờ sắp đổ. Mỗi khi mưa lũ, nước dâng ngang bệ thờ và bộ đội lại phải di chuyển bát hương vào hội trường. Thượng tá – đồn trưởng Nguyễn Văn Thu mong mỏi “được xây mới nhà bia liệt sĩ”…
Câu chuyện này được Ban Biên tập Báo Thanh Niên rất quan tâm và ngay sau đó, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên của báo đã quyên góp số tiền hơn 300 triệu đồng, cùng với công sức của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Lũng Nặm, xây dựng mới nhà bia ghi tên liệt sĩ rộng 170 m2, trong khuôn viên doanh trại.
Ngày 3.3.2019, đúng kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội biên phòng và mở đầu Tháng thanh niên – Mùa xuân biên giới 2019 do T.Ư Đoàn phát động, lễ khánh thành nhà bia ghi tên – tưởng niệm liệt sĩ Đồn biên phòng Lũng Nặm (Bộ đội biên phòng Cao Bằng) đã được tổ chức trang nghiêm, ý nghĩa, ngay tại nơi 13 liệt sĩ đã sống, chiến đấu bảo vệ biên cương.
Hôm ấy, thân nhân của 13 liệt sĩ cũng được mời về tham dự, và ai cũng đặt tay lên bia đá ghi tên con – em mình, nghẹn ngào: “Có được ngôi nhà mới cho hồn cốt anh em tụ về ấm cúng và con cháu, mỗi dịp giỗ lễ biết chỗ vào viếng thăm”…
Đầu năm 2023, Ban Biên tập Báo Thanh Niên kêu gọi tài trợ, tổ chức thực hiện công trình nhà bia tưởng niệm – ghi tên liệt sĩ Đồn biên phòng Lũng Cú (Bộ đội biên phòng Hà Giang). Đơn vị này có 28 liệt sĩ hy sinh, nhưng chưa có điều kiện làm bia tưởng niệm. Lại đứng chân ở địa bàn xã Má Lé (H.Đồng Văn) có 5 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cũng chưa được xây dựng nhà bia tưởng niệm. Ngay khi nhận văn bản xin ý kiến của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Báo Thanh Niên, Đại tướng Phan Văn Giang (Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) góp ý: “Dựng nhà bia chung cho cả liệt sĩ của xã và của Đồn Lũng Cú”.
Được sự chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, T.Ư Đoàn…, Ban Biên tập Báo Thanh Niên khẩn trương làm việc với tỉnh Hà Giang và phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Giang, lãnh đạo xã Má Lé hoàn tất các thủ tục, thiết kế, tìm mặt bằng… khởi công xây dựng công trình đúng ngày 2.9.2023. Quá trình triển khai xây dựng công trình Nhà bia liệt sĩ xã Má Lé và Đồn biên phòng Lũng Cú gặp không ít khó khăn, có lúc tưởng như khó có thể đẩy nhanh tiến độ như yêu cầu. Ban Biên tập Báo Thanh Niên đã cử phóng viên ra theo dõi, đôn đốc, báo cáo, xử lý kịp thời các phát sinh.
Chính nhờ sự kiên trì, kiên quyết đó mà công trình đã được hoàn thành trong những ngày mùa đông băng giá. Sáng 17.2.2024, đúng 45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 – 17.2.2024), lễ khánh thành bàn giao công trình Nhà bia ghi tên liệt sĩ xã Má Lé và Đồn biên phòng Lũng Cú đã được tổ chức trang nghiêm, với sự tham gia của đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Hà Giang, các nhà tài trợ chính, thân nhân 33 liệt sĩ và chính quyền, nhân dân địa phương.
Hôm khánh thành công trình, ông Ma Ngọc Quận (85 tuổi, ở xã Thổ Bình, H.Lâm Bình, Tuyên Quang) đã vượt quãng đường gần 300 km lên thắp hương cho con trai (chiến sĩ Ma Ngọc Khu, hy sinh tháng 5.1988 tại Lũng Cú khi vừa tròn 20 tuổi).
Cuối buổi lễ, ông Quận và ông Nguyễn Văn Tùng (anh trai liệt sĩ Nguyễn Văn Tiến, hy sinh tháng 3.1987 khi 23 tuổi) cùng nghẹn ngào: “Con trai, em trai chúng tôi hy sinh nhưng mất thi hài. Hồn cốt vẫn lẩn khuất giữa núi rừng cực Bắc. Giờ có nhà bia tưởng niệm, con tôi, em tôi đã có chỗ dừng chân rồi!”…
Trước cột mốc 35 năm cuộc chiến đấu bảo vệ Trường Sa (14.3.1988 – 14.3.2023), chúng tôi tìm đến gia đình 64 liệt sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma và Len Đao. Tới nhà liệt sĩ Trương Minh Thương (chiến sĩ Lữ đoàn 83 công binh Hải quân) ở xã Quảng Sơn, TX .Ba Đồn (Quảng Bình) gặp mẹ Trương Thị Bảo và nghe kể rất nhiều về ký ức của cậu con trai Trương Minh Thương. Chứng kiến cuộc sống vất vả của mẹ liệt sĩ, chúng tôi muốn tặng ít vật dụng sinh hoạt, nhưng mẹ Bảo lắc đầu: “Mệ chỉ muốn nó có chỗ ngồi vững chãi” và chỉ lên bàn thờ đã cũ.
Sau khi câu chuyện về mẹ Bảo và liệt sĩ Trương Minh Thương đăng trên Thanh Niên, một số bạn đọc đã liên hệ với chúng tôi, mua sắm các vật dụng sinh hoạt, ti vi, bếp gas và đặt một tủ thờ vững chãi trị giá gần
30 triệu đồng. Khi chúng tôi ra lại Quảng Bình, chở quà tặng đến nhà, mẹ Bảo dụi mắt: “Mệ nói bao nhiêu lâu mà ai cũng bảo kiêng, không tặng bàn thờ. Chỉ Báo Thanh Niên mới dám làm và làm được điều này” và cứ nắm tay chúng tôi, như con trong nhà, mãi không thôi…
Ngày này năm trước, 27.7.2023, Báo Thanh Niên đưa thân nhân liệt sĩ Hoàng Văn Phú (quê xã Ngọc Khê, H.Trùng Khánh, Cao Bằng; hy sinh tháng 3.1979 tại Sơn Vĩ, Mèo Vạc, Hà Giang) từ Đắk Lắk ra Hà Giang nhận phần mộ người thân, sau 44 năm tìm kiếm. Hành trình “tìm người sống cho người chết” này được Báo Thanh Niên kiên trì thực hiện trong gần 3 năm. Khi tìm được gia đình đi “kinh tế mới” ở xã Ea Phê, H.Krông Pắk (Đắk Lắk), chúng tôi gọi điện xác minh. Ban đầu gia đình nói thẳng: “44 năm, người nhà còn không tìm thấy nữa là người ngoài”, buộc chúng tôi phải cùng chính quyền địa phương đến tận nhà thông báo.
Sáng 27.7.2023, sau khi nhận phần mộ người thân và hoàn tất các thủ tục cúng lễ cho liệt sĩ Hoàng Văn Phú, 2 người cháu của liệt sĩ đã khóc nức nở: “Gia đình không nghĩ là sẽ gặp những điều tốt lành như thế. Báo Thanh Niên không chỉ tốn công sức tìm phần mộ, tổ chức lễ viếng mà còn huy động tài trợ vé máy bay ra vào, bố trí phương tiện đi lại, ăn ở. Bạn đọc của báo còn tặng tiền cho chúng tôi”…
Với mỗi người Việt Nam, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” là điều thiêng liêng nhất. Với những người làm báo, sự tri ân còn là trách nhiệm với câu chữ – nhân vật và câu chuyện đằng sau bài viết là sợi dây gắn kết giữa bạn đọc với các thương binh, cựu chiến binh, thân nhân, gia đình liệt sĩ.
Và chúng tôi, những người làm báo nói chung và những người làm báo Thanh Niên nói riêng, làm được điều này là nhờ sự đồng hành, giúp đỡ, cổ vũ động viên của bạn đọc. Những gì chúng tôi gửi đến các thương binh, cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ… đều là tấm lòng của bạn đọc tin tưởng, gửi trao.