Giá trị cổ tức toàn cầu tăng trưởng kỷ lục, Nga xem xét ban hành lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu, đàm phán về trần nợ công Mỹ không đạt tiến triển, Trung Quốc vượt Nhật Bản, trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Nga xem xét ban hành lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu, nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu nhiên liệu trong nước. (Nguồn: Reuters) |
Kinh tế thế giới
Giá trị cổ tức toàn cầu tăng trưởng kỷ lục trong quý I/2023
Theo công ty quản lý tài sản Janus Henderson, các công ty trên toàn thế giới đã chia cổ tức kỷ lục 326,7 tỷ USD cho các cổ đông trong quý I/2023, dẫn đầu là các đại gia ngân hàng, dầu mỏ và nhà sản xuất ô tô.
Báo cáo phát hành ngày 23/5 của Janus Henderson chỉ ra rằng, cổ tức toàn cầu của quý I/2023 đã tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng kỷ lục. Đáng chú ý, cổ tức đặc biệt chi trả một lần đạt 28,8 tỷ USD, mức lớn thứ hai kể từ quý đầu tiên của năm 2014, trong đó, nhà sản xuất ô tô Mỹ Ford và đối thủ Volkswagen của Đức chiếm gần 1/3 tổng số cổ tức đặc biệt toàn cầu.
Người đứng đầu bộ phận thu nhập vốn cổ phần toàn cầu tại Janus Henderson Ben Lofthouse cho biết, mức tăng trưởng cổ tức mạnh mẽ trong quý I/2023 càng ấn tượng hơn giữa bối cảnh 2022 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới, khi lạm phát cao, lãi suất tăng, xung đột địa chính trị và các hạn chế do đại dịch Covid-19 vẫn chưa được gỡ bỏ.
Báo cáo viết, trên toàn cầu, 95% công ty đã tăng cổ tức hoặc giữ nguyên cổ tức trong quý đầu tiên của năm 2023. Dự báo trong cả năm nay, các công ty chi tổng cộng 1.600 tỷ USD tiền cổ tức. (AFP)
Kinh tế Mỹ
* Đại diện của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Quốc hội ngày 23/5 đã kết thúc một vòng đàm phán về trần nợ công nữa mà không có dấu hiệu tiến triển, trong khi thời hạn nâng trần nợ công để tránh kịch bản vỡ nợ (1/6) đang đến gần.
Hai bên vẫn còn chia rẽ sâu sắc về cách thu hẹp thâm hụt ngân sách liên bang, trong đó các nghị sĩ Dân chủ cho rằng, những người có thu nhập cao và giới doanh nghiệp nên nộp nhiều tiền thuế hơn, trong khi các nghị sĩ Cộng hòa lại muốn cắt giảm chi tiêu.
Hiện chưa rõ có khả năng đạt được thỏa thuận giữa hai bên trước ngày 1/6 hay không. Tổng thống Biden đã đề cập khả năng sử dụng một điều khoản hiến pháp, cho phép Tổng thống nâng mức trần nợ công. (Reuters)
* Ngày 19/5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, việc thắt chặt các điều kiện tín dụng do những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng có thể giúp Fed không phải tăng lãi suất quá cao.
Theo ông Powell, các công cụ ổn định tài chính giúp xoa dịu căng thẳng của các ngân hàng, nhưng những diễn biến trong lĩnh vực này đang góp phần thắt chặt các điều kiện tín dụng và có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tình hình tuyển dụng và lạm phát. Vì vậy, Fed có thể không cần phải tăng lãi suất lên mức cao như dự kiến để đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Tuy nhiên, người đứng đầu Fed cũng lưu ý, điều này là không chắc chắn. (TTXVN)
Kinh tế Trung Quốc
* Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới trong quý đầu tiên của năm 2023, nhờ nhu cầu ngày càng tăng đối với xe điện và xuất khẩu sang Nga tăng.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, xuất khẩu ô tô của nước này trong giai đoạn từ tháng 1-3/2023 đã tăng 58% so với một năm trước đó lên 1,07 triệu chiếc.
Trong khi đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cho biết, nước này đã xuất khẩu 950.000 xe trong cùng quý, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. (Reuters)
* Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19/5 đã công bố một kế hoạch lớn cho sự phát triển của Trung Á, từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến thúc đẩy thương mại.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, ông Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẵn sàng phối hợp các chiến lược phát triển với Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, đồng thời thúc đẩy quá trình hiện đại hóa.
Bắc Kinh sẽ nâng cấp các hiệp định đầu tư song phương và tăng khối lượng vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới với Trung Á; cung cấp cho các nước này khoản hỗ trợ tài chính trị giá 26 tỷ NDT (3,8 tỷ USD). (Reuters)
Kinh tế châu Âu
* Hãng tin Reuters, ngày 23/5, dẫn các nguồn tin chính phủ và ngành công nghiệp cho biết, Nga đang xem xét ban hành một lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu, nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu nhiên liệu trong nước.
Biện pháp này dự kiến giúp kiềm chế tình trạng tăng giá sau khi Bộ Tài chính Nga quyết định giảm trợ giá nhiên liệu cho các nhà máy lọc dầu. Theo các nguồn tin, chính phủ Nga có thể sẽ tăng khối lượng tối thiểu bắt buộc bán xăng ô tô trên sàn giao dịch hàng hóa.
Bộ trên dự định giảm một nửa trợ cấp cho các nhà máy lọc dầu từ tháng Bảy để bổ sung cho quốc khố. (TTXVN)
* Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết, IEA không kỳ vọng các động thái của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) phản đối việc lẩn tránh áp mức giá trần (60 USD/thùng) đối với các mặt hàng năng lượng của Nga làm thay đổi tình hình nguồn cung dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ.
G7 sẽ tăng cường nỗ lực chống lại việc lẩn tránh áp mức giá trần, đồng thời tránh tác động lan tỏa và duy trì nguồn cung năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, nhóm không đưa ra chi tiết của kế hoạch hành động.
Ông Birol nói: “Bất kỳ thay đổi đáng kể nào trên thị trường sẽ được chúng tôi phản ánh trong các báo cáo phân tích nhưng hiện tại tôi không thấy lý do để thực hiện thay đổi trong phân tích của mình”. (Reuters)
* Ngày 23/5, Ngân hàng quốc gia Hungary (NBH) đã cắt giảm lãi suất tiền gửi 100 điểm cơ bản xuống 17%. Động thái đánh dấu đợt cắt giảm lãi suất khi lạm phát chậm lại đồng thời khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ đầu tiên tại châu Âu.
NBH đã áp dụng mức lãi suất tiền gửi khẩn cấp 18%, mức cao nhất ở EU, vào tháng 10/2022 để hỗ trợ đồng Forint giữa bối cảnh lạm phát gia tăng.
NBH đang đặt mục tiêu giảm lạm phát, vốn đang ở mức mức cao nhất tại EU (24%). Các ngân hàng trung ương khác của Trung Âu, áp dụng mức lãi suất thấp hơn Hungary và tỷ lệ lạm phát thấp hơn, cho đến nay vẫn giữ lãi suất ổn định, sau khi tăng mạnh kể từ tháng 6/2021. (Reuters)
* Theo khảo sát của Viện Ifo, lòng tin kinh doanh tại Đức trong tháng 5/2023 giảm mạnh hơn dự kiến, gây thêm lo ngại về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Khảo sát đối với 9.000 doanh nghiệp cho thấy, chỉ số lòng tin kinh doanh giảm từ 93,4 điểm trong tháng 4 xuống 91,7 điểm trong tháng 5.
Chủ tịch Ifo, Clemens Fuest, cho biết, đây là lần đầu tiên chỉ số này giảm sau 6 tháng tăng liên tiếp. Trước đó, các nhà phân tích tham gia khảo sát của FactSet nhận định chỉ số trên sẽ ở mức 93 điểm trong tháng 5.
Khảo sát của Ifo cho thấy các nhà quản lý hiện bi quan hơn về tình hình kinh doanh hiện tại cũng như kỳ vọng về 6 tháng tới, đặc biệt là trong lĩnh vực chế tạo và thương mại. (AFP)
* Theo dự báo mới nhất về nền kinh tế Anh mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra ngày 23/5, kinh tế nước này có thể tăng trưởng khoảng 0,4% trong năm 2023, một phần do giá năng lượng “hạ nhiệt”. Hồi tháng 4/2023, IMF dự báo nền kinh tế Anh sẽ giảm khoảng 0,3%.
Theo IMF, dự báo có sự thay đổi như vậy là do giá năng lượng giảm, nhu cầu ổn định, những lo ngại về các hệ lụy của Brexit đã phần nào được xoa dịu, trong khi ngành tài chính dần ổn định trở lại sau những bất ổn chính trị và các vụ phá sản của ngân hàng Mỹ. (Reuters)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Chính phủ Nhật Bản đang xem xét tăng thêm một phần khoản thu bảo hiểm xã hội để “ứng trước” nguồn tài chính cho các giải pháp ứng phó với tỷ lệ sinh giảm đang ở mức báo động hiện nay.
Nguồn tin từ các quan chức chính phủ Nhật Bản tiết lộ, khoản thu thêm này tương đương với mức 500 Yen/người/tháng (khoảng 3,6 USD) và được triển khai từ tài khóa 2026.
Một quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết, với khoản thu thêm tính trong phần bảo hiểm xã hội nói trên, cùng với phí bảo hiểm y tế và phần đóng góp theo trách nhiệm của các doanh nghiệp, chính phủ sẽ thu được khoảng 1.000 tỷ Yen (khoảng hơn 7 tỷ USD) mỗi năm, đủ để bù lại kinh phí “ứng trước” nhằm triển khai “Kế hoạch tăng tốc hỗ trợ chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em giai đoạn 2024-2026”. (TTXVN)
Tỷ lệ lạm phát kỳ vọng tại Hàn Quốc trong tháng 5 này giảm xuống 3,5%, giảm 0,2% so với tháng 4. (Nguồn: Flickr) |
* Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết, lòng tin của các nhà sản xuất nước này về tình hình kinh tế đã tăng lên trong tháng 5/2022 do những kỳ vọng nền kinh tế phục hồi.
Theo BoK, chỉ số khảo sát kinh doanh (BSI) dành cho các nhà sản xuất đứng ở mức 73 trong tháng 5/2023, tăng 3 điểm so với tháng trước đó. Chỉ số này phản ánh kỳ vọng về sự phục hồi thu nhập của các nhà sản xuất lớn vào cuối năm nay, bù đắp cho những lo lắng do bất ổn kinh tế kéo dài.
Chỉ số BSI của các doanh nghiệp phi sản xuất đã tăng 4 điểm so với tháng 4/2023, lên 78 vào tháng 5/2023. Cũng trong tháng này, chỉ số BSI trong tất cả các ngành đã tăng 4 điểm lên 76.
Chỉ số dưới 100 cho thấy số người bi quan nhiều hơn những người lạc quan. Cuộc khảo sát được thực hiện với 1.675 nhà sản xuất và 1.137 doanh nghiệp phi sản xuất từ ngày 9 đến 16/5. (THX)
* BoK ngày 23/5 công bố kết quả điều tra về xu hướng tiêu dùng tháng Năm, cho biết, tỷ lệ lạm phát kỳ vọng trong tháng này giảm xuống 3,5%, giảm 0,2% so với tháng Tư.
Theo BoK, nguyên nhân khiến lạm phát kỳ vọng giảm là do người dân vẫn hy vọng rằng sự đình trệ trong nước sẽ giảm bớt khi tiêu dùng phục hồi bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế. (TTXVN)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngày 22/5, người phát ngôn chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay, nước này đã xuất khẩu được 2,79 triệu tấn gạo, đạt giá trị 1,5 tỉ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thái Lan dự kiến xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu ngày càng lớn ở nhiều nước và con số xuất khẩu gạo cho cả năm có thể đạt 8 triệu tấn. Hiện Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ. (TTXVN)
* Ngày 23/5, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto họp trực tuyến với Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Australia, Thượng nghị sĩ Hon Don Farrell nhằm thảo luận một số điểm chính về vấn đề chuỗi cung ứng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Vấn đề này hiện đang được 14 nước quan tâm trong khuôn khổ các cuộc đàm phán về Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF) nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt, giảm thiểu sự gián đoạn và ảnh hưởng đối với các quốc gia trong khu vực.
Tại cuộc họp, hai Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác vì sự thịnh vượng kinh tế và ổn định trong khu vực, đồng thời nêu bật những tiến triển đạt được trong các vòng đàm phán IPEF vừa qua. (TTXVN)
* Malaysia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã nhất trí khởi động đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (Cepa) giữa hai nước.
Cepa là một thỏa thuận toàn diện, bao gồm lĩnh vực thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế cùng nhiều lĩnh vực khác. Thỏa thuận này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm hơn cho người dân ở cả hai nước.
Kuala Lumpur tin tưởng hiệp định Cepa giữa Malaysia-UAE sẽ nâng tầm mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, đồng thời mang lại lợi ích to lớn cho cả người dân và doanh nghiệp.
Năm 2022, UAE là đối tác thương mại lớn thứ hai của Malaysia ở khu vực Tây Á, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ 17 của Malaysia, với tổng kim ngạch thương mại đạt 38,73 tỷ RM (8,79 tỷ USD). Trong khi đó, Malaysia có vị trí địa chính trị quan trọng để UAE có thể tham gia vào thị trường khu vực châu Á-Thái Bình Dương. (TTXVN)