Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1759/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu; các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Theo phương hướng phát triển, ngành nông nghiệp – thủy sản tỉnh Vĩnh Long chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sử dụng hiệu quả, linh hoạt đất trồng lúa, tăng diện tích các loại cây trồng có hiệu quả ở những vùng, khu vực có điều kiện. Nghiên cứu, phát triển sản xuất các giống cây trồng, từng bước đưa tỉnh Vĩnh Long trở thành trung tâm sản xuất, cung cấp giống cây trồng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với đó, phát triển ngành chăn nuôi, thủy sản theo hướng công nghiệp, công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Cũng theo Quy hoạch, ngành công nghiệp tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông sản, thủy sản, thực phẩm gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, đi đôi với phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến.
Ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đối với các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất, nước…
Vĩnh Long là tỉnh nằm ở khu vực trung tâm đồng bằng sông Cửu Long; cách Thành phố Hồ Chí Minh 136 km về phía Đông Bắc và thành phố Cần Thơ 40 km về phía Nam; Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Tiền Giang và Bến Tre; Phía Đông Nam giáp tỉnh Trà Vinh; Phía Tây Nam giáp giáp tỉnh Hậu Giang và Thành phố Cần Thơ; Phía Tây Bắc giáp tỉnh Đồng Tháp.
Vĩnh Long có diện tích tự nhiên 1.479,128 km2 bằng 0,4% diện tích cả nước, dân số năm 2010 là 1.031.994 người, bằng 1,3% dân số cả nước.
Vĩnh Long có địa thế trải rộng dọc theo sông Tiền và sông Hậu, thấp dần từ Bắc xuống Nam. Địa hình tương đối bằng phẳng (độ dốc nhỏ hơn 20), cao trình khá thấp so với mực nước biển. Cao trình tuyệt đối từ 0,6 đến 1,2m chiếm 90% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh, phần còn lại là thành phố Vĩnh Long và thị trấn Trà Ôn có độ cao trung bình khoảng 1,25m. Đây là dạng địa hình đồng bằng ngập lụt cửa sông, tiểu địa hình của tỉnh có dạng lòng chảo ở giữa trung tâm tỉnh và cao dần về 2 hướng bờ sông Tiền, sông Hậu, sông Măng Thít và ven các sông rạch lớn. Không chịu ảnh hưởng của nước mặn và ít bị tác động của lũ.