Theo Bộ GTVT, việc lập quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển.
Từ đó có cơ sở cụ thể, chi tiết triển khai đầu tư khai thác hệ thống cảng biển đồng bộ với quy mô, lộ trình phù hợp, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua cảng biển và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.
Theo quy hoạch, dự báo tới năm 2030, sản lượng hàng hóa qua các khu vực cảng biển sẽ đạt khoảng 1,2-1,4 tỷ tấn hàng hóa, với sản lượng hàng hóa container tính theo Teu dự kiến khoảng 46,30-54,34 triệu Teu.
Với dự báo hàng hóa thông qua từng nhóm cảng biển, nhóm cảng biển số 1 và số 4 dự kiến sẽ có sản lượng hàng hóa thông qua tới năm 2030 cao nhất, khoảng 321-383 triệu tấn (nhóm cảng biển số 1) và từ 499-564 triệu tấn (nhóm cảng biển số 4).
Lượng hàng trong quy hoạch chưa bao gồm hàng trung chuyển container quốc tế. Lượng hàng trung chuyển container quốc tế được xác định cụ thể trong bước chuẩn bị đầu tư dự án, tùy thuộc vào năng lực và cam kết của Nhà đầu tư về lượng hàng trung chuyển quốc tế mà Nhà đầu tư mang lại khi tham gia dự án.
Theo dự báo, lượng hành khách thông qua cảng biển tới năm 2030 dự kiến đạt từ 17 đến gần 19 triệu lượt khách, bao gồm cả hành khách quốc tế và nội địa.
Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 33.800ha (bao gồm các khu vực phát triển cảng biển, khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và các khu công nghiệp, logistics… gắn liền với cảng), trong đó cảng biển là 17.300ha. Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 606.000ha.
Dự kiến, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 cần khoảng 351.500 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng khoảng 72.800 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 278.700 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Quy hoạch cảng biển, bến cảng, cầu cảng được Bộ GTVT trình Chính phủ cũng định hướng các nhiệm vụ ưu tiên đầu tư đến năm 2030.
Về kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, ưu tiên đầu tư, cải tạo, nâng cấp luồng sông Văn Úc cho tàu 10.000 tấn; luồng sông Chanh cho tàu đến 50.000 tấn; luồng Cẩm Phả cho tàu đến 200.000 tấn; luồng Nghi Sơn cho tàu đến 50.000 tấn; luồng Thọ Quang cho tàu đến 10.000 tấn; luồng Hòn La, Quy Nhơn, Ba Ngòi cho tàu đến 50.000 tấn; luồng Vũng Tàu – Thị Vải phục vụ tàu đến 200.000 tấn giảm tải (18.000 TEU); luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu cho tàu trọng tải 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải; luồng hàng hải qua cửa Trần Đề cho tàu đến 2.000 tấn và các tuyến luồng khác.
Cùng đó, đầu tư các đèn biển tại các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, kết cấu hạ tầng phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải; Xây dựng Đài thông tin duyên hải, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn, Đại diện Cảng vụ hàng hải Nha Trang tại huyện đảo Trường Sa.
Ngoài ra, đầu tư xây dựng công trình đê chắn sóng cảng Vũng Áng, Chân Mây; hạ tầng công cộng bến cảng ngoài khơi Trần Đề. Cải tạo, nâng cấp hệ thống đê chắn cát luồng Cửa Việt, Cửa Gianh; chỉnh trị luồng hàng hải Diêm Điền, Văn Úc. Hệ thống quản lý hàng hải tàu biển (VTS) tại luồng Hòn Gai – Cái Lân và luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu.
Với các bến cảng biển, sẽ đưa vào khai thác từ bến cảng số 3 đến bến cảng số 8 tại khu bến Lạch Huyện; các bến tại khu bến Liên Chiểu, các bến cảng chính thuộc cảng biển loại I; các bến cảng khách du lịch, bến khách quốc tế và các bến du thuyền gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn gắn trung tâm điện lực than, khí, xăng dầu, luyện kim; các bến phục vụ khu kinh tế ven biển; kêu gọi đầu tư các bến cảng tại các cảng biển tiềm năng Vân Phong và Trần Đề.
Bên cạnh đó, đầu tư bến khởi động khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), các bến cảng tại khu vực Cái Mép hạ, cùng bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM) và khu bến Trần Đề (Sóc Trăng).
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/den-nam-2030-can-hon-350000-ty-dong-dau-tu-he-thong-cang-bien-192240720154502517.htm