Sự xuất hiện của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, Taobao và 1688 đang tạo ra một cơn sốt hàng giá rẻ tại Việt Nam, đẩy các doanh nghiệp Việt vào thế khó khăn chưa từng có.
Điều này không chỉ đơn thuần là cuộc chiến về giá mà còn mở ra cuộc đua khốc liệt về chất lượng sản phẩm và dịch vụ ngay trên sân nhà của các doanh nghiệp Việt.
Nếu không có biện pháp thích ứng kịp thời, các doanh nghiệp Việt có nguy cơ bị đào thải khỏi cuộc chơi.
Cửa hàng đồng giá “19K”, giao hàng miễn phí
Nhiều người tiêu dùng Việt không còn băn khoăn về việc nên chọn hàng hóa từ đâu mà câu hỏi đã chuyển thành “Vì sao không chọn hàng Trung Quốc?” – với giá rẻ hơn, tiện lợi hơn và dịch vụ giao hàng nhanh hơn.
Điều này đẩy các doanh nghiệp Việt vào một cuộc khủng hoảng niềm tin từ chính người tiêu dùng trong nước.
Chị Dương Thùy chia sẻ về trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng trên đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP.HCM). “Tại đây có treo bảng “tất cả sản phẩm 19K” khiến tôi không thể cưỡng lại.
Những món hàng như tô sứ, đồ gia dụng và phụ kiện thời trang đều có mẫu mã đẹp và giá rẻ hơn nhiều so với hàng Việt tại siêu thị”.
Theo chị Thùy, hàng đồng giá ở đây được giới thiệu nhập số lượng lớn từ Trung Quốc nên mới có mức giá rẻ.
Sự xuất hiện tràn lan của hàng Trung Quốc giá rẻ tại các cửa hàng đồng giá hay trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Lazada và TikTok Shop khiến cho hàng Việt ngày càng gặp khó khăn trong việc duy trì thị phần.
Chị Quỳnh Trân, nội trợ tại TP.HCM, cho biết từng mua một nồi cơm điện Việt Nam với giá 300.000 đồng, còn phải trả thêm 20.000 đồng phí ship.
Trong khi đó nồi cơm điện Trung Quốc tương tự chỉ có 180.000 đồng và được miễn phí ship. Chênh lệch giá quá lớn khiến chị Trân chọn hàng Trung Quốc.
Với chính sách miễn phí vận chuyển, giao hàng nhanh, cho phép trả hàng trong vòng 90 ngày kèm theo chương trình khuyến mãi lên đến… 90%, Temu – một tân binh trong lĩnh vực TMĐT Trung Quốc – đã nhanh chóng thu hút sự chú ý tại Việt Nam.
Thậm chí nền tảng này cũng cập nhật giao diện hỗ trợ tiếng Việt trên trang web của mình, khiến việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn.
Khách hàng chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể mua bất kỳ sản phẩm nào, từ đồ gia dụng đến thời trang, với mức giá vô cùng rẻ. Chị Quỳnh Vy, một khách hàng tại TP.HCM, chia sẻ rằng chị không thể cưỡng lại được các chương trình giảm giá lên đến 66% và thời gian giao hàng chỉ 4 – 7 ngày.
Việc vận chuyển từ Quảng Châu đến Việt Nam chủ yếu diễn ra qua đường bộ, khiến thời gian giao hàng của Temu nhanh hơn nhiều so với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia và Philippines, nơi mà thời gian vận chuyển có thể kéo dài 5 – 20 ngày.
Không chỉ riêng Temu, các nền tảng bán hàng khác của Trung Quốc như Taobao và 1688 cũng đã cung cấp nguồn hàng sỉ, lẻ được người tiêu dùng Việt ưa chuộng. Điều này khiến hàng hóa Trung Quốc hiện diện khắp nơi trên các sàn TMĐT, cũng như tại các cửa hàng đồng giá ở Việt Nam.
Bán lẻ, sản xuất trong nước “nghẹt thở”
Sự xuất hiện và bành trướng của các nền tảng TMĐT Trung Quốc như Temu, Taobao và 1688 đang làm thay đổi diện mạo của thị trường Việt Nam.
Cuộc cạnh tranh không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau mà còn với những đối thủ quốc tế mạnh mẽ, có lợi thế về giá cả, hệ thống phân phối và chiến lược marketing.
Trước khi Temu gia nhập, thị trường TMĐT Việt Nam đã bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee, Lazada, TikTok. Cuộc cạnh tranh giá khốc liệt kéo dài suốt năm năm qua giữa các nền tảng TMĐT đã đẩy các doanh nghiệp nội địa vào tình thế khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ nhận định cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt và Trung Quốc trên thị trường TMĐT không còn chỉ xoay quanh giá cả mà còn đòi hỏi sự thay đổi về chiến lược kinh doanh.
Nếu không thích nghi kịp thời, các doanh nghiệp Việt sẽ bị đào thải khỏi thị trường khốc liệt này.
Ông Nguyễn Ngọc Luận – tổng giám đốc Công ty Meet More, một doanh nghiệp sản xuất cà phê tại Củ Chi (TP.HCM) – cho biết đã gặp rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Sản phẩm của Meet More, đơn cử một hộp cà phê giá 85.000 đồng, khi tính cả phí vận chuyển 20.000 đồng đã đẩy giá lên tới 105.000 đồng.
“Khách hàng đắn đo, bởi hàng Trung Quốc tương tự vừa rẻ hơn lại được miễn phí giao hàng. Chúng tôi buộc phải giảm giá sản phẩm để có được ưu đãi này, nhưng càng giảm giá chúng tôi càng không có lợi nhuận”, ông Luận nói.
Cũng theo ông Luận, nhiều doanh nghiệp Việt đã nhận được lời mời hợp tác từ phía Trung Quốc, với đề nghị đưa hàng hóa Việt Nam đến các cửa khẩu để bán vào thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi tính toán chi phí vận chuyển và chiết khấu, lợi nhuận gần như không còn, trong khi hàng Trung Quốc vào Việt Nam lại giữ được giá rẻ nhờ được trợ giá và hỗ trợ từ hệ thống vận chuyển.
Các doanh nghiệp Việt không chỉ phải đối mặt với sự chênh lệch giá cả, mà còn bị áp lực bởi hệ thống logistics mạnh mẽ và dịch vụ phân phối vượt trội của Trung Quốc. Theo một số doanh nghiệp, không phải ngẫu nhiên mà người tiêu dùng Việt ngày càng ưa chuộng hàng Trung Quốc.
“Ngoài yếu tố giá rẻ, hàng Trung Quốc còn đánh trúng tâm lý “mua nhanh, tiện lợi và giá phải chăng” của người tiêu dùng hiện đại. Nhiều khách hàng thừa nhận họ lựa chọn hàng Trung Quốc không chỉ vì giá thấp hơn mà còn vì sự tiện lợi trong việc mua sắm”, một doanh nghiệp sản xuất hàng gia dụng nói.
Phải thay đổi, mở rộng thị trường quốc tế
Theo các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, hàng Trung Quốc sẽ ồ ạt vào Việt Nam vì quá nhiều lợi thế từ sự đầu tư đồng bộ từ xây hàng loạt tổng kho dọc biên giới, tổ chức kho trung tâm từ Quảng Đông, Quảng Châu… với đường dây vận chuyển tối ưu về thời gian, chi phí, lượng hàng giá rẻ lại dồi dào và cả hệ thống hỗ trợ lao động, logistics ngay nội địa Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, trưởng ban logistics TMĐT của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), cho rằng để ứng phó với “làn sóng” đổ bộ của hàng giá rẻ Trung Quốc vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt cần tập trung vào chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi, đồng thời cải thiện hệ thống logistics để giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh.
Một chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT cũng cho rằng Việt Nam cần đầu tư mạnh vào hệ thống kho hàng dành riêng cho TMĐT, bởi đa phần các kho hàng hiện nay đều phục vụ cho các công ty sản xuất lớn thay vì các doanh nghiệp TMĐT. Điều này làm giảm khả năng xử lý đơn hàng và gia tăng chi phí logistics.
“Việc cải thiện hạ tầng logistics sẽ giúp tối ưu hóa quy trình vận hành, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh” – vị này nói, đồng thời khuyến cáo rằng việc xây dựng các chiến lược khuyến mãi hợp lý, miễn phí vận chuyển hoặc chiết khấu phí giao hàng cũng sẽ giúp hàng Việt cạnh tranh với hàng Trung Quốc trên các sàn TMĐT.
Cũng theo vị này, việc tận dụng ưu thế về thương hiệu và chất lượng sản phẩm là cơ hội để doanh nghiệp Việt giành lại niềm tin từ người tiêu dùng trong nước.
“Ngoài việc doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy cũng cần có hành lang bảo vệ sản xuất, bán lẻ trong nước”, vị này khuyến cáo.
Ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng tới các quốc gia tiềm năng như Ấn Độ, Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ. Đây là cách để giảm thiểu rủi ro và phát triển bền vững trong thời đại toàn cầu hóa.
Nhiều nước tìm cách chặn hàng từ Temu, Shein
Nhiều nước đang tìm cách chặn hàng hóa Trung Quốc bán xuyên biên giới qua các nền tảng như Temu và Shein do lo ngại cạnh tranh không lành mạnh. Chẳng hạn Mỹ đã áp đặt thuế cao hơn và giảm miễn thuế cho các mặt hàng giá trị thấp.
EU cũng xem xét áp thuế cho hàng dưới 150 euro và điều tra trợ cấp vận chuyển từ Trung Quốc. Indonesia mới đây đã cấm Temu để bảo vệ doanh nghiệp nhỏ trong nước.
Theo chuyên gia TMĐT, nếu muốn bảo vệ sản xuất và bán lẻ trong nước, Việt Nam cũng cần có hành lang pháp lý tương tự.
Ngoài ra cần đầu tư vào hệ thống kho hàng chuyên dụng cho TMĐT, giảm chi phí logistics và xây dựng các chiến lược khuyến mãi hợp lý là những bước đi cần thiết để giúp hàng Việt giữ vững niềm tin từ người tiêu dùng.
Hàng giá rẻ, được giao nhanh nhờ đâu?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Temu có nguồn hàng giá rẻ lớn và thời gian giao hàng nhanh một phần do nền tảng này hoạt động theo mô hình ký gửi toàn bộ, tức là nhà cung cấp sẽ thỏa thuận giá bán sỉ và gửi hàng tới kho của Temu.
Các bước còn lại như tiếp thị, vận chuyển và bán lẻ sẽ do công ty điều hành. Temu hợp tác với các đơn vị giao nhận lớn như ZTO, KYE (vận chuyển trong nước Trung Quốc) và DHL, FedEx, UPS (vận chuyển quốc tế).
Đặc biệt ở chặng giao hàng cuối, các đơn vị vận chuyển nội địa như Ninja Van và Best Express sẽ đảm nhiệm việc giao hàng đến tay khách hàng Việt Nam.
Mô hình này giúp giảm tối đa chi phí vận chuyển và tiếp thị, nhờ đó Temu có thể cung cấp sản phẩm với giá rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo nhà bán hàng giữ được lợi nhuận.
Ví dụ một mặt hàng có giá bán lẻ 19 USD trên Amazon, khi đến Temu có thể giảm xuống còn 16 USD nhưng vẫn giữ nguyên lợi nhuận cho nhà bán hàng nhờ tối ưu hóa chi phí.
Doanh nghiệp ngoại áp đảo TMĐT tại Việt Nam
Theo báo cáo của Momentum Works, tính đến tháng 9-2024 Temu có mặt tại 78 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại thị trường Việt Nam, Shopee đang chiếm 61% thị phần, TikTok Shop 24% và Lazada 14%.
Trong số đó có đến 2 là đại diện của Trung Quốc. Về giá trị đơn hàng trung bình ở Việt Nam, Shopee dao động 6-8 USD, Lazada 8-10 USD và TikTok Shop 5-6 USD, Temu chưa thống kê.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/den-luot-temu-taobao-do-bo-thi-truong-viet-nam-20241014224156812.htm