Lấy cảm hứng về ký ức tuổi thơ của mỗi người, sự kiện lựa chọn 6 mẫu tranh dân gian Hàng Trống theo chủ đề các trò chơi dân gian của Việt Nam để chuyển thể lên những bộ đèn lồng như Rồng rắn lên mây, rước rồng, kéo co, bịt mắt bắt dê…Người dân tham gia sự kiện được nghệ nhân hướng dẫn in bản nét đen, dùng bút vẽ tay và điểm màu hoạ tiết hoặc tự do sáng tác theo sở thích của bản thân.
Chia sẻ về ý nghĩa sự kiện, chị Nguyễn Thị Hữu, Nhà sáng lập dự án nghệ thuật Magic of color (MOC) cho biết: “Chúng tôi đã lựa chọn chiếc đèn lồng để tổ chức một chuỗi Workshop dành riêng cho trung thu năm 2024, tên là “Màu ký ức” với chủ đề mùa trung thu năm 2024 sẽ đưa mọi người tìm về ký ức của riêng mình và chúng tôi lựa chọn bộ tranh dân gian hàng trống, vẽ các trò chơi dân gian Việt Nam để đưa lên các bộ đèn lồng năm nay. Trong tranh dân gian Hàng Trống có rất nhiều mẫu tranh khác nhau. Tuy nhiên, trong đó có những mẫu tranh rất đặc biệt, mô phỏng lại những trò chơi dân gian Việt Nam xưa và những bức tranh này đã được lưu giữ hàng trăm năm và hiện nay đây là một bộ tranh được đánh giá ít người biết đến, bên cạnh những bộ Tứ Bình Tứ Quý của Hàng Trống, mong kết nối để nhiều người biết đến về dòng tranh dân gian này của Thủ đô Hà Nội”.
Chia sẻ về giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người Kinh kỳ xưa trong các bức tranh dân gian Hàng Trống, nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho rằng ngày nay, việc những hoạ tiết đặc trưng của dòng tranh dân gian này được ứng dụng trong đời sống hiện đại đã góp phần lưu giữ và lan toả những nét đẹp văn hoá truyền thống của thủ đô: “Các tranh dân gian thu nhỏ lại vào các đèn lồng, cũng tìm tòi cố gắng đưa hình ảnh dân gian để mọi người biết thêm. Không cứ là đèn lồng, các cửa hàng mỹ thuật họ còn chuyển đổi sang cả tranh đá quý, rồi gốm sứ thì tôi nghĩ rằng các hình tượng dân gian thấm đậm cái riêng của mình rồi, không lẫn lộn với các loại hình nghệ thuật khác. Đây cũng là cách mọi người nhìn nhận lại hình tượng, các thú chơi của các cụ ngày xưa”.
Để tạo nên những bức tranh dân gian Hàng Trống không dễ dàng, người vẽ phải thực hành trộn, tìm ra màu sắc bắt mắt nhất, trong khi đó, những hoạ tiết của bức tranh dân gian Hàng Trống lại khá nhỏ và phức tạp. Đây chính là thử thách của người chơi khi làm đèn lồng giấy dó, tuy nhiên đây cũng là những trải nghiệm thú vị, mang đến những kỷ niệm khó quên.
Anh Nguyễn Quang Minh, Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Tranh của mình hôm nay lựa chọn là bức tranh về múa lân, trong bức tranh có những yếu tố dân gian của dân tộc, có những người múa lân, những người cầm sao và những người đi cùng để tạo ra một bức tranh rất nhiều mầu sắc. Mình muốn kết hợp những yếu tố màu để nổi bật lên như màu xanh hay gam màu đỏ, màu tone lạnh tone nóng kết hợp hài hòa với nhau để có một bức tranh tổng thể nhìn bắt mắt nhất”.
Chị Thuỳ Dung cho biết: “Em rất thích nghệ thuật và đặc biệt là nghệ thuật dân gian truyền thống của mình. Đối với những sự kiện thế này em cũng muốn đến và tiếp xúc với các nghệ nhân, lắng nghe những câu chuyện các nghệ nhân chia sẻ để em có thể hiểu biết sâu sắc hơn về những dòng tranh dân gian truyền thống của Việt Nam mình. Em hy vọng rằng sẽ có nhiều hơn những Workshop như thế này để giới trẻ em có thể tiếp xúc với những dòng tranh dân gian truyền thống và hiểu biết hơn về những cái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam mình”.
Thay vì ngắm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những chiếc đèn lồng, quá trình tự tay vẽ, điểm màu và hoàn thành công đoạn dán tranh trên đèn lồng giúp người dân hiểu hơn về ý nghĩa và nét đẹp văn hoá trong mỗi bức tranh dân gian truyền thống. Chuỗi sự kiện vẽ tranh, làm đèn lồng giấy dó sẽ được dự án Magic of color (MOC) tổ chức vào Chủ nhật hàng tuần từ 4/8 – 15/9 tại trung tâm nghệ thuật Area 75, số 75 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội, hứa hẹn là hoạt động hấp dẫn trong tết trung thu năm nay.
Nguồn: https://vov.vn/van-hoa/trai-nghiem-lam-den-long-giay-do-o-ha-noi-post1112229.vov