Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip xe Audi chạy đến đâu đèn giao thông nhảy loạn xạ đến đó, dẫn đến nghi vấn chiếc xe có gắn thiết bị có thể gây nhiễu tín hiệu đèn giao thông.
Sự việc hiện đang được cơ quan chức năng làm rõ. Song trên thực tế chuyên gia ở các nước đã phát hiện những lỗ hổng kỹ thuật khiến hệ thống đèn giao thông có thể bị tấn công (hack), can thiệp từ xa.
Tín hiệu giả ‘lừa’ đèn giao thông
Tháng 10-2024, kênh tin tức RTL Nieuws (Hà Lan) cho biết hàng chục ngàn đèn giao thông tại Hà Lan có thể bị xâm nhập và điều khiển từ xa.
Ở nước này, khi cảnh sát, xe cứu thương hoặc cứu hỏa phải di chuyển khẩn cấp, hệ thống đèn giao thông có một tính năng chuyển sang màu xanh để ưu tiên. Một số phương tiện công cộng cũng có thể sử dụng hệ thống này.
Tuy nhiên một hacker tên Alwin Peppels đã phát hiện ra lỗ hổng khi nghiên cứu hệ thống kết nối đèn giao thông với các dịch vụ khẩn cấp.
Alwin Peppels nói với RTL Nieuws rằng hacker có thể dễ dàng thay đổi hàng chục ngàn đèn giao thông được lắp đặt tại hàng ngàn giao lộ ở Hà Lan chỉ với một nút bấm. Thậm chí, họ có thể thực hiện thành công từ khoảng cách vài km.
“Đèn giao thông là một phần của cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng ta và thường xuyên trở thành mục tiêu của các bên có ý đồ xấu”, Peppels nói.
Theo Peppels, để khắc phục lỗ hổng, các đèn giao thông cần phải được thay thế vật lý. Các cơ quan giao thông đường bộ đang tiến hành giải pháp này, nhưng dự kiến sẽ mất thời gian ít nhất đến năm 2030.
Cũng tại Hà Lan vào năm 2020, The Wired ghi nhận các nhà nghiên cứu Wesley Neelen và Rik van Duijn phát hiện một lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống đèn giao thông thông minh được triển khai tại ít nhất 10 thành phố.
Các hệ thống này sử dụng các ứng dụng di động như Schwung và CrossCycle nhằm cải thiện lưu thông cho người đi xe đạp bằng cách tự động chuyển đèn tín hiệu sang màu xanh khi họ đến giao lộ.
Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy hệ thống này có thể dễ dàng bị lợi dụng. Bằng cách đảo ngược mã nguồn ứng dụng, các nhà nghiên cứu phát hiện cách mà đèn giao thông phản hồi với các gói dữ liệu chứa thông tin về vị trí và chuyển động của phương tiện (CAM).
Họ chứng minh rằng có thể tạo ra các CAM giả, mô phỏng sự xuất hiện của những người đi xe đạp không có thực. Hành động này cho phép họ điều khiển tín hiệu đèn giao thông từ xa, thậm chí ở khoảng cách vài km.
Các tín hiệu giả có thể khiến đèn giao thông chuyển sang màu tùy tiện, gây rối loạn lưu thông và làm chậm trễ các phương tiện khác. Từ đó tiềm ẩn rủi ro an toàn nếu bị khai thác với mục đích xấu.
Vượt qua các lớp bảo mật
Tháng 7-2024, trang tin công nghệ TechCrunch cho biết chuyên gia an ninh mạng Andrew Lemon thuộc Công ty Red Threat đã phát hiện một lỗ hổng nghiêm trọng trong thiết bị điều khiển đèn giao thông Intelight X-1, được sử dụng phổ biến để quản lý tín hiệu giao thông tại các giao lộ.
Lemon phát hiện rằng giao diện web của thiết bị Intelight X-1 không yêu cầu xác thực. Chỉ cần truy cập một địa chỉ URL cụ thể, bất kỳ ai cũng có thể vượt qua các lớp bảo mật để thay đổi các cài đặt mà không cần đăng nhập.
Nhu vậy với quyền truy cập trái phép, kẻ tấn công có thể điều chỉnh thời gian đèn giao thông, kéo dài đèn xanh ở một hướng và rút ngắn thời gian ở các hướng khác.
Lemon nhấn mạnh rằng mặc dù các cơ chế an toàn ngăn chặn việc bật đèn xanh cùng lúc ở tất cả các hướng, việc thay đổi thời gian tín hiệu vẫn có thể gây ra ùn tắc nghiêm trọng và tăng nguy cơ tai nạn giao thông.
Sau khi nhận được báo cáo, công ty mẹ của Intelight là Q-Free gửi cảnh báo pháp lý, tuyên bố rằng thiết bị Intelight X-1 đã lỗi thời và không còn được sản xuất.
Ngoài Intelight, Lemon còn phát hiện các thiết bị điều khiển của nhà sản xuất Econolite cũng tồn tại lỗ hổng tương tự do sử dụng giao thức NTCIP – một tiêu chuẩn công nghiệp với nhiều điểm yếu bảo mật. Các thiết bị này có thể bị khai thác để thay đổi trình tự tín hiệu hoặc bật đèn nhấp nháy đồng loạt tại các giao lộ, dẫn đến hỗn loạn giao thông.
Vụ việc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cho các hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng. Các nhà sản xuất và chính quyền cần đảm bảo rằng các thiết bị điều khiển giao thông được trang bị các giao thức xác thực chặt chẽ và không bị phơi nhiễm trên mạng internet không an toàn.
Ngoài ra việc kiểm tra bảo mật định kỳ và cập nhật kịp thời là yếu tố cần thiết để bảo vệ hệ thống trước các mối đe dọa mạng ngày càng tinh vi.
Liên quan clip xe Audi chạy đến đâu đèn xanh đến đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 4-1, đại diện Đội cảnh sát giao thông – trật tự Công an Thủ Đức cho biết đang phối hợp các đơn vị nghiệp vụ và các cơ quan liên quan xem clip trên là thật hay cắt ghép, cũng như khả năng có thiết bị làm nhiễu tín hiệu đèn giao thông hay không và sẽ thông tin sau.
Cùng ngày, ông Lưu Văn Tấn, giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật Thủ Đức, cho hay ngay sau khi nắm được sự việc lan truyền trên mạng xã hội, trung tâm đã cử nhân viên đến các vị trí đèn giao thông đang quản lý để kiểm tra tổng thể. Qua kiểm tra, các chốt đều hoạt động bình thường, không có lỗi kỹ thuật.
Nguồn: https://tuoitre.vn/den-giao-thong-co-the-bi-hack-khong-20250104220656294.htm