22h, căn phòng trọ của ông Trịnh Văn Lưu (63 tuổi, Hưng Yên), bệnh nhân ung thư thanh quản dù đã tắt đèn nhưng liên tục vang lên tiếng trở mình.
Có ca xạ trị lúc 23h nên vừa ăn cơm tối xong chưa lâu, ông Lưu và con trai đã dọn dẹp để đi ngủ, mong chợp mắt được vài tiếng lấy sức. Thế nhưng đến sát giờ đi xạ trị, hai bố con vẫn nằm trằn trọc chưa thể đi vào giấc.
“Lệch với giờ giấc sinh hoạt hàng ngày, xe cộ đi lại ồn ào, lại thêm việc cứ nơm nớp lo ngủ quên bỏ lỡ mất giờ xạ trị, nên có muốn tranh thủ chợp mắt vài tiếng cũng khó”, con trai ông Lưu nói.
Nơi ở tạm để chữa bệnh của bố con ông Lưu trong thời gian qua là một căn phòng rộng chưa đến 5 mét vuông chỉ kê vừa chiếc giường và một cái kệ nhỏ.
Phát hiện ung thư thanh quản từ tháng 9/2023, ông Lưu đã phải trải qua một ca phẫu thuật cắt thanh quản và vét hạch trước khi chuyển qua xạ trị. Sự tàn phá của bệnh tật thể hiện rõ trên cơ thể người đàn ông đã ở tuổi lục tuần.
Chuông báo vang lên khi đồng hồ điểm 22h15, như một thói quen, hai bố con lại sửa soạn áo quần xách chiếc túi đã đựng sẵn đồ đạc cần thiết, bắt đầu cho một chuyến xạ trị đêm.
Trong đêm tối, từ những con ngõ sâu hun hút quanh khu vực Bệnh viện K, tiếng bước chân, tiếng nói chuyện vang lên ngày càng nhiều. Cũng như ông Lưu, họ là những bệnh nhân ung thư và người nhà có lịch xạ trị lúc 23h.
Từ phía cổng Bệnh viện K, những bệnh nhân có ca xạ trị lúc 22h cũng bắt đầu ra về. Dìu người chồng ung thư vòm họng đi qua đường Cầu Bươu, bà Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi) hai lần suýt vấp ngã vì trời tối còn mắt thì đã mờ do tuổi tác.
Chồng bà Hoa bắt đầu xạ trị từ ngày 16/10, mỗi ngày lại xạ một lần. Người phụ nữ đầu hai thứ tóc cho biết, mình còn may mắn vì được xạ vào giờ không quá khuya.
“Theo tôi biết cứ khoảng một tiếng lại có một ca xạ trị. Cứ khoảng một tuần, bệnh nhân lại đổi lịch xạ một lần. Chồng tôi may mắn chưa phải xạ trị vào giờ quá khuya”, bà Hoa chia sẻ.
Trở về phòng trọ, chồng bà Hoa ngồi phịch xuống giường, gương mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi. Nước da của người đàn ông 58 tuổi này đen sạm đi do tác dụng phụ của xạ trị.
Trong lúc chồng nghỉ ngơi, bà Hoa lại lật đật pha sữa và lấy thuốc. Công đoạn được người phụ nữ gọi là bồi dưỡng sau xạ thường kéo dài 30 phút, trước khi hai vợ chồng có thể chợp mắt.
“Xạ trị xong mệt lắm, thâm đen hết mặt mũi, rộp hết cả lên. Ông bị ung thư vòm họng không ăn được nên chỉ có thể uống sữa cho lại sức”, bà Hoa nói.
Lúc này, các hàng ghế chờ trước các phòng xạ trị cũng dần được lấp đầy, có người tranh thủ chợp mắt.
Chờ khoảng 30 phút, ông Lưu cũng đến lượt vào xạ trị. “Lâu ở thời gian chờ chứ đến lúc vào xạ cũng chỉ khoảng 10 phút là xong”, con trai ông chia sẻ.
23h30, hai bố con lại dìu nhau trở về phòng trọ. Nhìn người bố mệt mỏi, đau rát sau mũi xạ, chàng thanh niên lại nặng nỗi lo. “Ông cứ hao mòn dần đi vì bệnh tật. Đây mới chỉ là mấy mũi xạ đầu, tôi nghe nói càng về những mũi sau người lại càng mệt nhiều hơn, hy vọng là ông trụ được”, anh trầm ngâm.
Đã quá nửa đêm, ông Lưu vẫn chưa thể ngủ được vì phía bên ngoài liên tục có người ra, người vào để thay nhau đi xạ trị.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/dem-trang-xa-tri-cua-nhung-phan-nguoi-mang-k-20241031175346616.htm