Mưa sao băng Perseids sẽ đạt cực đại, đổ ‘cơn mưa ánh sáng’ tuyệt đẹp trên bầu trời tối nay và rạng sáng mai (12 – 13.8). Người yêu thiên văn Việt nhắc nhau đừng bỏ lỡ cơ hội này!
Làm sao ngắm?
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), Perseids là một trong những trận mưa sao băng đẹp và lớn nhất, có thể tạo ra tới 60 sao băng mỗi giờ vào cực đại. Perseids có nguồn gốc từ sao chổi Swift-Tuttle, được phát hiện vào năm 1862.
Perseids nổi tiếng vì đã tạo ra một số lượng lớn sao băng sáng. Trận mưa sao băng diễn ra hàng năm từ ngày 17.7 – 24.8. Cực đại năm nay diễn ra vào đêm 11 rạng sáng 12.8, đêm 12 tới rạng sáng 13.8.
“Trăng bán nguyệt sẽ che khuất một số sao băng mờ vào đầu giờ tối. Nhưng mặt trăng sẽ lặn ngay sau nửa đêm, để lại bầu trời tối lý tưởng. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Perseus (Anh Tiên), nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời”, HAS thông tin thêm.
Mặc dù mưa sao băng lấy tên từ chòm sao là điểm phát, nhưng chòm sao không phải nguồn phát của chúng. Cách tốt nhất để quan sát mưa sao băng Perseids là chọn một không gian đủ tối, yên tĩnh và thoáng đãng. Bạn không cần sử dụng bất kì dụng cụ nào như kính thiên văn hay ống nhòm, chỉ cần chọn không gian lý tưởng và để mắt bạn thích nghi khoảng 30 phút trong bóng tối.
Theo EarthSky, thời điểm tốt nhất để ngắm Perseids sẽ bắt đầu vào khoảng nửa đêm cho đến bình minh. Trận mưa sao băng này sau khi đạt cực đại tối nay và rạng sáng mai, sẽ giảm nhanh chóng. Các sao băng Perseids có xu hướng mạnh lên về số lượng khi đêm muộn cho đến tận sáng sớm trước bình minh.
Chuyên gia cho rằng cách tốt nhất để quan sát sao băng là bằng mắt thường. Vì sao băng bay vắt qua bầu trời khá nhanh, nếu sử dụng ống nhòm hay kính thiên văn chỉ làm giảm đi khả năng thấy chúng.
“Bên cạnh đó, mây, mưa, mặt trăng và ô nhiễm ánh sáng là “kẻ thù” của sao băng. Do đó, khả năng quan sát sao băng ở các thành phố lớn gần như là 0. Chúng ta có thể về các vùng quê, nơi tối đèn để quan sát sao băng. Tuy nhiên cần chú ý về vấn đề sức khỏe và an toàn”, chuyên gia nói thêm.
Được chú ý hơn 2.000 năm nay
Nói về trận mưa sao băng đáng chú ý này, EarthSky cho biết đây là một trong những trận mưa sao băng được yêu thích nhất trong năm. Mặt trăng sẽ ở trạng thái bán nguyệt và được chiếu sáng 50% trong thời kỳ cực đại của trận mưa sao băng Perseids năm 2024.
Theo các nhà nghiên cứu, mưa sao băng Perseids đã được con người chú ý từ hơn 2.000 năm nay. Nhưng phải đến năm 1865, các nhà khoa học mới tìm ra được nguồn gốc của mưa sao băng Perseids là từ những mảnh vụn còn sót lại của sao chổi 109P/Swift-Tuttle trong quá trình lao về mặt trời.
Diễn ra thường niên vào tháng 8, Perseids được xem là một trong hai mưa sao băng lớn và đẹp nhất năm cùng với Geminids. Mưa sao băng Perseids nổi tiếng với những vệt sao dài kỳ ảo, xuất hiện với số lượng lớn.
Anh Minh Thành (24 tuổi), một người yêu thiên văn sống tại Hà Nội cho biết tối qua và rạng sáng nay 11 – 12.8, anh định bắt đầu “săn” mưa sao băng này. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe, anh không thể ngắm tới rạng sáng, số lượng sao băng quan sát đêm qua không như mong đợi của anh.
“Dự báo năm nay, cực điểm từ 11 – 13.8 nên tối nay và rạng sáng mai mình vẫn còn cơ hội. Sức khỏe mình đã tốt hơn, hy vọng thời tiết sẽ ủng hộ để việc quan sát được thuận lợi. Chúc mọi người có một đêm tận hưởng bầu trời thú vị”, anh nói thêm.
Sao chổi mẹ 109P/Swift-Tuttle tạo nên trận mưa sao băng Perseids có kích thước lớn, quay quanh mặt trời khoảng 133 năm một lần.
“Lần cuối sao chổi này tới gần mặt trời và cắt qua quỹ đạo của trái đất là năm 1992 và lần tiếp theo sẽ là năm 2026. Nhiều năm qua, Perseids là hiện tượng đáng chú ý đối với người yêu thích quan sát bầu trời đêm, nó là một trong 2 trận mưa sao băng lớn nhất trong năm cùng với Geminids”, các nhà nghiên cứu cho biết.
Theo các tài liệu, vào tháng 8.2016, Perseids đã có một vụ bùng nổ sao băng với số lượng được quan sát rất lớn, lên tới hơn 1.000 sao băng mỗi giờ ở những khu vực có điều kiện quan sát tốt nhất.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/dem-nay-nguoi-viet-dung-bo-lo-mua-sao-bang-dep-nhat-nam-dat-cuc-dai-18524081208311085.htm