SGGP
“Em đưa chị mượn điện thoại để gọi Tường Vân nhắc một số loạt bài đợt này Ban Văn hóa – Văn nghệ mình đã đăng ký. Toàn loạt bài quan trọng, cần thiết phải làm. Viết về văn hóa – nghệ thuật ráng làm sao để thấy được đó là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng phát triển bền vững thành phố mình, đất nước mình. Viết để có sự thay đổi tư duy, nhận thức trong đầu tư, phát triển văn hóa. Mà sao, đợt này chị nằm bệnh viện lâu quá không biết, đợi ít bữa nữa thôi, chị về…”.
1. Chị Thạch Thảo (chúng tôi vẫn quen gọi là “chị Ù”) tỉnh táo nói với chúng tôi về công việc, về những kế hoạch bài “đinh” như vậy khi đang nằm trên giường bệnh, giữa những dây nhợ vẫn còn ngổn ngang quanh 2 cánh tay, giữa những tiếng rè rè của máy móc y tế… Cho đến tận những lúc đau đớn nhất tưởng chừng không sao vượt qua nổi, chị vẫn luôn mạnh mẽ, vẫn nuôi hy vọng. Giữa những cơn đau vì quá nhiều chứng bệnh hành hạ suốt hơn 3 tháng rưỡi qua, những lúc tỉnh nhất, câu chuyện của chị vẫn xoay quanh công việc: tin, bài và loạt bài.
Những tia hy vọng rằng sức khỏe sẽ tốt lên thắp sáng trong lòng chị và chúng tôi khi chị được ra khỏi Khoa Hô hấp – Hồi sức Tim mạch trở về phòng điều trị thường của Khoa Nội thận – Bệnh viện Nhân dân 115. Ai cũng mừng rỡ khi bác sĩ báo rằng khoảng 7 đến 9 ngày nữa sẽ xuất viện và đi tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.
Nhưng tối hôm nay chúng tôi như chết lặng: bác sĩ thông báo điều mà chúng tôi không bao giờ muốn nghe! Chị ruột của chị sụp xuống ngay cánh cửa, mẹ già 85 tuổi ngóng chờ con ở nhà suốt hơn 3 tháng ngất lịm! Những đồng nghiệp tại Tòa soạn Báo SGGP và các đơn vị báo chí tại TPHCM, bạn bè khắp nơi thất thần, bàng hoàng, không kìm được nước mắt. Ngoài kia, trời mưa như trút nước. Chắc trời cũng thương tiếc chị vô cùng, chị Thạch Thảo ơi…
2. Hơn 20 năm chị ở Báo SGGP, tôi gắn bó với chị đến nay tròn 10 năm. Những tháng năm đủ dài, quá nhiều kỷ niệm và cũng khiến tôi khi nhìn lại bỗng… không biết bắt đầu từ đâu để viết về người chị, người đồng nghiệp lớn trong nghề báo. Nhưng, có một điều tôi chắc chắn rằng, chân dung chị không cần tô vẽ thêm bất cứ một mảng màu nào, ai cũng biết, cũng nhớ, và nhớ rất lâu, rất sâu.
Đó là một nhà báo yêu nghề và giỏi nghề một cách chuyên nghiệp, góp phần đem về cho Báo SGGP không ít giải thưởng từ những vệt bài, loạt bài sắc bén, tạo được hiệu ứng xã hội. Đó là một Phó Chủ tịch công đoàn trách nhiệm, nghĩa tình, hết lòng vì anh em đồng nghiệp. Đó là một thủ lĩnh Đoàn Thanh niên nhiệt huyết, trí tuệ, bản lĩnh, nói được làm được. Rất nhiều cây bút trẻ trưởng thành, từng bước tạo được thương hiệu từ sự chỉ dạy tận tâm của chị.
Có thể, với không ít người, chị là một người mạnh mẽ, cứng rắn nhưng thời gian đồng hành 10 năm cùng chị đã cho tôi thấy nhiều góc khác ở một người tưởng như không gì có thể… “xô đổ” ấy.
Chị khóc rất nhiều những ngày tháng dịch bệnh Covid-19 hoành hành khi biên tập từng bản tin, bài viết. Trước một chi tiết báo chí, một câu chuyện xã hội, một cuộc đời… chị viết và thể hiện trên trang viết bằng một tâm hồn đa cảm, giàu yêu thương. Chị sụt sùi nhiều ngày cho số phận của một người em cán bộ Đoàn không may mất sớm. Chị thương những em bé vùng sâu vùng xa để rồi nhiều chương trình xã hội của báo cũng ráng làm, kêu tài trợ cho các em.
Tối 25-11, trước khi đưa chị “về nhà” lần cuối, tôi có quay trở lại phòng làm việc của chúng tôi. Máy tính được thay mới toanh, các vật dụng trên bàn được dọn dẹp gọn gàng ngăn nắp… chỉ để chờ đón ngày chị về cùng làm việc, cùng thực hiện những loạt bài điều tra “dữ dội”. Tôi đứng đó hồi lâu, mặc cho nỗi nhớ thương, nuối tiếc dâng ngập lòng mình…
Kể từ hôm nay, những người làm Báo SGGP mãi mãi mất đi một người đồng nghiệp chắc nghề, yêu nghề, nhân hậu, mạnh mẽ mà cũng rất dịu dàng… Thạch Thảo là cỏ, là hoa, mọc và nở trong sỏi đá. Tuy có vẻ mảnh mai, mong manh nhưng vô cùng cương nghị, dũng cảm.
Vĩnh biệt chị, đau quá chị Thảo ơi!