Một lát bánh mì, 1/3 chén mì ống nấu chín, 3/4 chén ngũ cốc khô… cung cấp khoảng 15 g carb, chiếm 1/3-1/4 lượng carb cho bữa chính.
Thực phẩm chứa nhiều carbohydrate (carb) có thể có tác động nhiều đến lượng đường trong máu. Người bệnh tiểu đường cần biết ăn bao nhiêu carb trong một ngày để giữ đường huyết ổn định và giảm nguy cơ biến chứng tim, đột quỵ. Tiến sĩ Lalita Kaul (Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ) chia sẻ với tờ Health, cho dù một người có bị tiểu đường hay không cũng nên đặt mục tiêu có khoảng một nửa lượng calo từ carb phức hợp (có nhiều chất xơ), 20-25% từ protein và không quá 30% từ chất béo một ngày.
15 g carb được tính là một khẩu phần ăn. Mỗi ngày, nếu một người ăn 2.000 calo thì nên tiêu thụ khoảng 250 g carb phức hợp. Mỗi bữa ăn chính của người tiểu đường nên có khoảng 45-60 g carb và 15-30 g cho bữa ăn nhẹ. Dưới đây làm 8 thực phẩm thường gặp có chứa carb và gợi ý khẩu phần ăn cho người tiểu đường.
Bánh mì
Một lát bánh mì chứa khoảng 15 g carb, tương đương một khẩu phần. Người bệnh tiểu đường nên chọn bánh mì nguyên cám vì có lượng chất xơ cao gấp đôi bánh mì trắng. Cơ thể tiêu hóa bánh mì nguyên cám chậm hơn và lượng đường trong máu sẽ tăng dần sau khi ăn. Người tiểu đường nên ăn 30 g chất xơ mỗi ngày. Nếu gặp khó khăn khi tiêu hóa chất xơ, có thể chọn bánh mì có lát mỏng để cắt giảm lượng chất xơ, calo.
Mì ống nấu chín
Mì ống làm từ lúa mì nguyên chất là lựa chọn lành mạnh hơn mì ống làm bằng bột mì trắng. 1/3 chén mì ống có khoảng 15 g carb. Một người ăn nhiều mì ống trong một bữa đã có đủ lượng carb cần cho cả ngày.
Ngũ cốc
Bữa sáng cân bằng giúp người bệnh tiểu đường có nhiều năng lượng và kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Một chén ngũ cốc cám yến mạch với sữa tách béo là lựa chọn phù hợp cho bữa sáng của người tiểu đường. Tuy nhiên, người bệnh nên lưu ý tránh các loại ngũ cốc có đường, ít chất xơ. 3/4 chén ngũ cốc khô chứa 15 g carb.
Trái cây
Các loại trái cây như táo, chuối, quả mọng, dưa đỏ, dâu tây, đào… là lựa chọn tốt cho người tiểu đường. Lê và nho có thể chứa nhiều đường. Một quả chuối trung bình có khoảng 15 g carb, nhiều kali. Các loại quả mọng rất giàu chất xơ và chất chống oxy hóa. Một khẩu phần quả mọng chỉ bằng 3/4 cốc. Nếu ăn nhiều hơn mức này khiến cho tổng lượng carb một ngày vượt hơn mức tiêu chuẩn.
Nước trái cây
1/2 cốc nước ép trái cây chứa 15 g carb. Người bệnh tiểu đường nên chọn trái cây có chứa chất xơ thay vì nước trái cây. Ngay cả nước trái cây loại tự nhiên, không đường cũng chứa nhiều calo. Ba ly nước ép trái cây cung cấp khoảng 300-400 calo. Người tiểu đường muốn uống nước trái cây có thể uống một ly nhỏ trong bữa sáng.
Sữa
Sữa cung cấp canxi, protein, vitamin D và các chất dinh dưỡng quan trọng khác có lợi cho sức khỏe. Nên chọn sữa ít béo hoặc không béo. Bởi người tiểu đường thường có lượng cholesterol và chất béo trung tính cao, nguy cơ tăng cân. Một cốc sữa ít béo chứa 15 g carb.
Sữa chua
Một cốc sữa chua nguyên chất có khoảng 15 g carb. Sữa chua không béo là lựa chọn tốt của người tiểu đường. Sữa chua có hương vị thường chứa nhiều đường. Vì vậy, nên kiểm tra hàm lượng carb trước khi dùng. Có thể tự thêm trái cây và các loại hạt vào sữa chua không béo để có lợi hơn cho sức khỏe.
Bánh quy
Người bệnh tiểu đường thỉnh thoảng có thể thưởng thức đồ ngọt, miễn là tiêu thụ chúng với khẩu phần nhỏ. Có thể tính toán lượng carb trong bánh quy với các thực phẩm chứa carb trong các bữa ăn nhằm tránh thừa lượng carb trong ngày. Hai bánh quy chứa 15 g carb.
Tuy nhiên, nhu cầu về carb của mỗi người là khác nhau. Người bệnh tiểu đường có thể cần bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống phù hợp.
Kim Uyên (Theo Health)