SGGP
Dịch Covid-19 đã phơi bày những yếu kém không chỉ trong quản trị, điều hành xã hội mà cả của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Khu vực này, nếu không có những biến cố lớn như đại dịch, thì lâu nay vẫn ít được quan tâm, thậm chí gần như “vô hình” với một bộ phận không nhỏ người dân.
Kết quả giám sát được công bố ngày 29-5 tại Quốc hội cho thấy, chi cho y tế tuyến cơ sở trên tổng chi y tế toàn xã hội giảm từ 32,4% năm 2017 xuống 23,1% năm 2019. Tỷ trọng chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở đạt 34,5% năm 2022, trong đó tuyến xã chỉ đạt 1,7%. Phân bổ chi thường xuyên ngoài lương cho trạm y tế xã còn thấp, có địa phương chỉ đạt 10-20 triệu đồng/trạm/năm, chỉ đủ chi điện nước, hành chính. Thu nhập và chế độ đãi ngộ cán bộ lại quá thấp: mức hỗ trợ cho y tế thôn, bản chỉ bằng 0,3 và 0,5 so với mức lương cơ sở (tương đương 447.000 đồng và 745.000 đồng).
Thế nên, không lấy làm lạ là tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ Trung ương đến tuyến huyện chỉ đáp ứng 42% nhu cầu nhân lực (thiếu khoảng 23.800 người), trong khi số người làm công tác y tế dự phòng chuyển công tác, xin nghỉ việc ngày càng tăng.
Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự trăn trở, coi đây là thách thức lớn nhất của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay. Tăng lương, xây trụ sở mới, mua máy móc… là những giải pháp cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ, thậm chí có thể gây ra lãng phí nếu không tăng cường năng lực thật sự và tạo thêm “việc làm” cho toàn bộ hệ thống này như điều trị (chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý các bệnh mạn tính, sơ cấp cứu tại cộng đồng…). Về lâu dài cần xây dựng và ban hành các dự án luật có liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng.