Công ty CP Công viên Thạch Bàn đang đề xuất UBND TP xây tuyến tàu điện tự lái kết nối Tân Sơn Nhất tới công viên Đầm Sen giúp giảm ùn tắc khu vực sân bay.
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc và Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP đề nghị có ý kiến liên quan đến đề xuất xây dựng hệ thống tàu tự lái trên cao.
Đây là ý tưởng do Công ty CP Công viên Thạch Bàn đề xuất trước đó. Cụ thể, doanh nghiệp muốn xây dựng tuyến tàu điện trên cao lái tự động (Automated guideway transit – AGT) dài gần 30 km, đi theo lộ trình sân bay Tân Sơn Nhất – trung tâm thành phố – công viên văn hóa Đầm Sen. Lộ trình đầu tư chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Đầu tư đoạn sân bay Tân Sơn Nhất – cù lao Nguyễn Kiệu dài 12,7 km chạy dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Giai đoạn 2: Cù lao Nguyễn Kiệu – cầu Bà Tàng, quận 8 dài 5,7 km chạy dọc theo kênh Đôi.
Giai đoạn 3: Cầu Bà Tàng, quận 8 – giao lộ Hoàng Văn Thụ, Út Tịch dài 11,5 km đi theo kênh Tân Hóa, đường Lạc Long Quân.
Dự án có tổng mức đầu tư 20.000 tỉ đồng.
Phía doanh nghiệp đánh giá tuyến tàu tự lái trên cao này nằm hoàn toàn trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, rạch Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tân Hóa và đường Lạc Long Quân… nên không gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, việc triển khai tuyến tàu điện AGT có ưu thế vượt trội của tàu tự lái so với Monorail (tàu điện một ray) là khả năng chuyển làn linh hoạt, tiện lợi cho việc phát triển tuyến, mức vốn đầu tư thấp. Các ga chính sẽ kết nối với hệ thống metro.
Tuyến tàu điện trên cao tự lái sử dụng làn đường rộng 4m, làm bằng thép nên có thể sản xuất hàng loạt tại nhà máy, giúp cho việc thi công dự án nhanh, chỉ khoảng 5 năm là hoàn thành. Trong khi đó, việc đầu tư metro theo cách tiếp cận hướng từ ngoài vào sẽ kéo dài hàng chục năm, tình trạng ùn tắc giao thông khu vực trung tâm sẽ càng ngày càng gia tăng, đặc biệt là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị TPHCM xem xét bổ sung tuyến tàu điện tự lái trên cao này vào quy hoạch để có cơ sở thực hiện.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt từ 2013, mạng lưới đường sắt đô thị của TP.HCM gồm 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất (hoặc đường sắt một ray) với tổng chiều dài khoảng 220 km. Trong đó, có tuyến 4b kết nối tới sân bay Tân Sơn Nhất.
Lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị thông tin thêm: Cách đây vài năm năm, tiếp tục có dự án đường sắt nhẹ 4b1 nối từ đường Hoàng Văn Thụ chạy dọc đường Trường Sơn kết nối với sân bay. Tuy nhiên, dự án sau đó phải dừng lại vì Ban đánh giá khi triển khai, tuyến này sẽ không hiệu quả. Người dân phần lớn từ sân bay sẽ đi về khu trung tâm, mang nhiều hành lý. Nếu kết nối theo tuyến 4b thì hành khách sẽ phải chuyển tới 3 lần tàu (từ tàu 4b1 lên tuyến số 5, sau đó chuyển sang tuyến 2), chắc chắn sẽ chọn taxi hoặc hình thức khác thuận tiện hơn đường sắt. Thêm vào đó, nhà ga T3 đang được đầu tư, cách nhà ga T1 và T2 khá xa (khoảng 1 km). Nếu hình thành 1 tuyến nối với nhà ga hiện tại thì vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tới ga T3.