Diễn đàn nhằm chia sẻ các cơ hội phát triển, giải pháp về các vấn đề nổi cộm như thiết bị, công nghệ tiên tiến phù hợp; giải quyết vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách để đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm ban hành các chính sách, pháp luật phù hợp; thực thi hiệu quả nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; thực hiện cam kết quốc tế về ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: “Dự thảo Quy hoạch điện VIII đề xuất phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi; phát triển nhiệt điện khí dùng trong nước (chuỗi khí-điện Lô B, Cá Voi Xanh) thay thế dần nhiệt điện than, giảm phát thải nhà kính. Nhất là khi, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á”.
Mục tiêu đẩy mạnh sử dụng năng lượng xanh, sạch đã rõ, tuy nhiên, ông Phạm Quang Huy, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đề cập đến những khó khăn trong phát triển điện gió và điện khí thời gian qua. Hiện nay việc đàm phán hợp đồng mua bán điện còn khó khăn. Đối với việc tính toán khung giá cho điện gió ngoài khơi, hiện Việt Nam chưa có dự án nào tham gia phát điện vào hệ thống điện quốc gia, nên việc tính toán này chỉ có thể tham khảo số liệu từ các tư vấn, tổ chức quốc tế, chưa có cơ sở để đánh giá số liệu để xác định, tính toán được khung giá ở Việt Nam. “Để hướng tới một thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng thì việc nghiên cứu, đưa ra các cơ chế chính sách liên quan đến quy định về hợp đồng mua bán điện làm cơ sở cho thu xếp vốn và đầu tư cho các dự án nhiệt điện khí và dự án điện gió là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng”- ông Phạm Quang Huy cho biết.
Bổ sung thêm, theo ông Cáp Tuấn Anh, Phó trưởng Ban Chiến lược phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), bên bán điện có xu hướng yêu cầu giá điện cao để tối đa hóa lợi nhuận, nhưng EVN chỉ có thể mua điện ở mức giá hợp lý và tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong nhiều trường hợp, có khoảng cách lớn giữa các yêu cầu của bên bán và khả năng đáp ứng của bên mua điện là EVN. Vì vậy, cần thiết có các quy định rõ ràng của cấp có thẩm quyền để đáp ứng nguyên tắc hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro của các bên tham gia mua, bán điện mà trong đó EVN là một bên tham gia.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia tại diễn đàn, để thực hiện có hiệu quả quy hoạch điện trong thời gian tới, cần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện năng lượng tái tạo bao gồm cả điện mặt trời mái nhà, điện tự sản tự tiêu sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt cần xây dựng cơ chế hợp đồng mua-bán điện trực tiếp cũng như xây dựng chính sách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong ngành điện.
Có ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta không nên đặt mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và chuyển dịch năng lượng theo số phần trăm chung cố định cho toàn quốc mà nên đặt mục tiêu tỷ lệ khác nhau theo vùng miền. Bởi tiềm năng năng lượng tái tạo có đặt thù thuận lợi riêng theo vùng miền, và khi phát triển ở vùng có điều kiện thuận lợi, thì chắc chắn giá thành sẽ phải rẻ hơn vùng ít có tiềm năng.
Tin, ảnh: VŨ DUNG