Dịch vụ Mobile Money được Ngân hàng Nhà nước cấp phép triển khai thí điểm trên phạm vi toàn quốc trong 2 năm, từ ngày 18-11-2021 đến 18-11-2023.
Trong tháng 5-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông có Công văn số 1865/BTTTT-CVT gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam góp ý đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ 6 tháng và đề cương báo cáo tổng kết tình hình thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money.
Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money từ sau ngày 18-11-2023 đến hết 31-12-2025 để các doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện, phát triển dịch vụ, cung cấp tới khách hàng, với mục tiêu đem lại tiện ích cho người dân, xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi một số quy định tại Quyết định số 316/QĐ-TTg để phù hợp hực tiễn, tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc khi phát triển dịch vụ.
Ảnh minh họa.
Dịch vụ Mobile Money cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ, chuyển tiền, nạp – rút tiền trực tiếp tại hệ thống cửa hàng, điểm giao dịch của nhà mạng trên toàn quốc… mà không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, không yêu cầu phải sử dụng điện thoại thông minh, không cần kết nối Internet.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến đầu tháng 5-2023, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt hơn 3,9 triệu khách hàng, gấp 3 lần so cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, số lượng khách hàng tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 2,7 triệu khách hàng, chiếm 69% số khách hàng sử dụng dịch vụ.
Số lượng điểm kinh doanh trên cả nước đạt hơn 9.953 điểm, tăng 12% so tháng 3-2023, số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán đạt 15.326 điểm, tăng 0,2%. Tổng số lượng các giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) bằng Mobile Money là hơn 26,1 triệu giao dịch với tổng giá trị khoảng 1.683 tỷ đồng.
Theo VietnamPlus