Tờ trình nêu rõ, thông tin về diễn biến kinh tế – xã hội thời gian qua tại Báo cáo thống kê tình hình kinh tế – xã hội 3 tháng đầu năm 2024 của Bộ KH-ĐT cho thấy nhiều điểm tích cực.
Tuy nhiên, sau thời gian dài chống chịu với dịch Covid-19, doanh nghiệp trong nước đang trong quá trình phục hồi nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước.
So sánh giữa số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong quý 1/2024, tổng số doanh nghiệp giảm 14.100, bình quân mỗi tháng giảm 4.700 doanh nghiệp.
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó dự báo. Sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…
Ở trong nước, mặc dù nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục xu hướng phục hồi và có triển vọng tích cực, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
“Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước”, tờ trình của Chính phủ nêu.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1.7 đến hết ngày 31.12) và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện.
Việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm 2024 giảm thu khoảng 24.000 tỉ đồng (khoảng 4.000 tỉ đồng/tháng, trong đó giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2.500 tỉ đồng/tháng, ở khâu nhập khẩu khoảng 1.500 tỉ đồng/tháng).
Trong 3 tháng đầu năm nay, số thuế giá trị gia tăng được giảm theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 khoảng 11.488 tỉ đồng. Ngoại trừ tháng 2 có kỳ nghỉ tết, bình quân tháng 1 và tháng 3, số thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu giảm khoảng 1.500 tỉ đồng/tháng và dự kiến khâu nội địa khoảng 2.500 tỉ đồng/tháng.
Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, dự kiến số thu giảm khoảng 23.488 tỉ đồng. Nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng cho 6 tháng cuối năm, dự kiến cả năm 2024 giảm thu khoảng 47.488 tỉ đồng.