Thường vụ Quốc hội cho rằng thu hồi đất xây nhà thương mại đối với khu đô thị giúp đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhà ở và phù hợp với quy định hiện hành.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sáng 15/1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số đại biểu đề nghị bổ sung nội dung thu hồi đất đối với dự án khu đô thị. Nguyên nhân là nếu chỉ thu hồi và phát triển nhà ở thương mại sẽ không thể hiện được sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng cũng như thay đổi diện mạo đô thị.
Tiếp thu ý kiến này, dự thảo Luật quy định theo hướng kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013, thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ khi xây dựng khu đô thị. Đây là các dự án đầu tư có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở.
Theo ông Thanh, thiết kế nội dung trên đã đồng nhất với quy định về các trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đối với những dự án này, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp thông qua danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất, trong đó có dự án thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp) đồng tình với nội dung này vì đảm bảo thu hồi đất có điều kiện, tránh đại trà, tùy tiện, ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp của cả nước. Ông cũng thống nhất quy định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phải hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí tái định cư.
“Quy định như vậy sẽ rạch ròi, hạn chế được việc trốn tránh trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong những dự án người dân có đất bị thu hồi”, ông nói.
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ đánh giá quy định như trên còn chung chung, có thể khiến “tất cả những dự án được gọi là khu đô thị đều được thu hồi đất”. Ông đề nghị dự thảo nêu rõ tiêu chuẩn, tiêu chí, trong đó, khu đô thị được thu hồi đất phải là đô thị hiện đại; góp phần nâng cao cao đời sống người dân. Nhà nước thu hồi đất phải kết hợp đấu giá, đấu thầu, đảm bảo công khai, minh bạch.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, chuyên trách Ủy ban Xã hội, nói theo quy định của Hiến pháp 2013, để thu hồi đất thì các dự án phát triển kinh tế – xã hội phải đáp ứng 3 điều kiện: trường hợp thật cần thiết, do luật định và vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đối chiếu với các yêu cầu này, ông Nghĩa thấy rằng quy định tại Điều 79 và 80 của dự thảo luật chưa thể hiện rõ tính chất “thật cần thiết” phải thu hồi.
“Thực tế, có trường hợp thu hồi đất nằm trong trường hợp quy định tại Điều 79, 80 nhưng công trình sau đó lại bị bỏ hoang, lãng phí, không đi vào cuộc sống do không thật cần thiết đối với nhân dân, sự phát triển kinh tế – xã hội”, ông Nghĩa nói.
Báo cáo giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 cũng nêu cụ thể nhiều trường hợp dự án đất hoang hóa, lãng phí. Do đó, đại biểu Nghĩa đề nghị xem xét bổ sung cụm từ “thật cần thiết” vào phần mở đầu của Điều 79 Dự thảo Luật, quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Đây là lần thứ 4 dự thảo luật Đất đai sửa đổi trình xin ý kiến Quốc hội. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật hiện có 16 chương, 260 điều, bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung 250 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp 6. Dựa trên ý kiến thảo luận và qua rà soát, các cơ quan đã thống nhất chỉnh lý, hoàn thiện 18 nội dung đề cập về các vấn đề lớn và đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường đang diễn ra.