Lĩnh vực bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, liên quan mật thiết đến nhiều ngành, nghề khác như xây dựng, tài chính, du lịch, vật liệu xây dựng…, có sức lan tỏa đến khoảng 30-40 lĩnh vực.
Theo thống kê, đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP những năm gần đây khoảng 10%, trong đó đóng góp trực tiếp của ngành bất động sản và gián tiếp qua các lĩnh vực khác ước khoảng 4,5%.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đang rơi vào tình cảnh trầm lắng. Trên cơ sở đó, ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam đưa 14 kiến nghị, đề xuất có thể hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi.
Thứ nhất, về thể chế, Việt Nam cần khai thác tối ưu các sân chơi quốc tế. Với xu hướng ký kết nhiều hơn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì điều này là rất cần thiết. Để thu hút tốt hơn khách du lịch đến với Việt Nam nói riêng và các nước ASEAN nói chung thì có thể cho phép khách du lịch đi một nước được dễ dàng di chuyển các nước khác cùng khu vực.
Thứ hai là kiến nghị cho phép người nước ngoài là đối tượng sử dụng đất, tạo điều kiện cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở, bất động sản du lịch theo quy định của pháp luật Việt Nam, đồng bộ giữa Luật Đất đai với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Thứ ba, theo quan sát Hiệp hội bất động sản, hầu hết các nước trên thế giới, nước nào cũng có các cơ chế phát triển đặc khu kinh tế. Thậm chí có những đặc khu kinh tế rất hấp dẫn mà các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư và phát triển. Vì vậy, nếu có thể, Việt Nam nên xem xét một vài khu kinh tế ven biển để phát triển thành đặc khu kinh tế.
Thứ tư, theo quan sát hạ tầng trên thế giới, các sân bay không chỉ là nơi đi lại mà ở đó còn là nơi mua sắm, vui chơi, giải trí. Và quan trọng nhất là trở thành điểm đến của khu vực. Đặc biệt, sân bay là cỗ máy kiếm tiền và mang du khách đến đất nước. Do đó, nếu sân bay Long Thành sắp tới làm được điều này sẽ rất tốt để thu hút thêm khách du lịch, nâng cao phát triển kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, việc phát triển tàu cao tốc chỉ 200km/h theo tôi là đang hơi lạc hậu, vì nhiều nước trên thế giới, và gần ta nhất là Trung Quốc đã xem xét có những tàu siêu tốc có tốc độ 1.000km/h
“Tiếp đến là dân số và nguồn nhân lực. Nhiều nước trên thế giới có nhiều việc nhưng lại thiếu người làm, có người thì lại không thích làm. Vì vậy, chúng ta cần duy trì tỷ lệ sinh trên 2 con để đảm bảo nguồn lực”, ông Bình nói.
Thứ năm, kiến nghị Nhà nước xem xét tham gia trực diện hơn vào việc cung cấp nhà ở xã hội (Nhà nước tạo lập và sở hữu nhà ở xã hội cho thuê song song với các doanh nghiệp), tạo lập thị trường cạnh tranh, theo cơ chế thị trường, đa dạng phân khúc, mở rộng đối tượng, linh hoạt về địa điểm. Gắn thêm các dịch vụ hỗ trợ cùng với noxh là dịch vụ cung cấp việc làm. Vì có việc làm mới có thu nhập để trả tiền thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Dịch vụ khác như dịch vụ vận chuyển…
Ông Bình cho biết đã sang Brunei, Singapore, New Zealand để nghiên cứu học tập. Mô hình nhà ở HDB của Singapore chúng ta đã nghe nhiều.
Mô hình của New Zealand cũng rất hay, nhà ở xã hội ở New Zealand có 2 bên cung cấp. Bên thứ nhất là nhà nước xây nhà ở xã hội để cho thuê và cũng tạo điều kiện cho tổ chức tư nhân tham gia. Trên thị trường, nhà nước cung cấp khoảng 65% nhà ở xã hội, 35% còn lại là của 61 nhà phát triển tư nhân.
Nhà ở xã hội của nhà phát triển tư nhân có giá cho thuê bằng 80% giá thị trường, nhà nước bù 20% tiền thuê cho doanh nghiệp tư nhân. Như vậy thì nhà nước vẫn điều hành, tạo ra một thị trường cạnh tranh, vận hành theo cơ chế thị trường, quan trọng là tạo ra một sân chơi bình quyền cho nhà ở xã hội, vị trí nhà có thể là ở bất kỳ đâu, các phân khúc nhà ở xã hội cũng rất đa dạng từ trung cấp đến cao cấp.
“Thông qua các mô hình nhà ở xã hội cho thấy điểm chung là Chính phủ tham gia trực diện hơn, vận hành bằng cơ chế thị trường, không phân biệt nhà ở xã hội hay nhà ở giá rẻ, đa dạng địa điểm”, ông Bình nhấn mạnh.
Thứ sáu là chuyển đổi số, chúng ta có thể học tập mô hình của Singapore là mô hình thành phố nhà nước rất thông minh, số hóa vận hành giao thông và thủ tục hành chính.
Thứ bảy, về dữ liệu bất động sản cũng rất quan trọng, như mô hình ở Mỹ, các dữ liệu nhà ở hàng trăm năm qua vẫn đang sử dụng rất tốt.
Thứ tám, về xu hướng ngôi nhà thứ hai, hiện nay Malaysia, Indonesia, Campuchia cũng đang làm rất tốt, rất mong cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét để thu hút thêm nguồn lực đầu tư.
Thứ chín là sàn giao dịch quyền sử dụng đất, trong hơn 10 hiệp hội bất động sản quốc tế mà chúng tôi có trao đổi, chỉ một vài nước có ngân hàng đất để điều tiết đất cho nông dân sản xuất nông lâm nghiệp chứ không phải điều tiết thị trường bất động sản.
“Chúng tôi đề xuất có thể gộp sàn kinh doanh bất động sản và sàn giao dịch quyền sử dụng đất. Nếu được sẽ bớt thủ tục hành chính, bớt chi phí mà vẫn kiểm soát được thị trường”, ông Bình nói.
Thứ mười là xây dựng trung tâm tài chính của khu vực và thế giới.
Mười một là về quỹ đầu tư tín thác (REITS), trong thời gian tới VNREA sẽ có kiến nghị liên quan đến các quỹ này để cung cấp nguồn vốn bền vững cho thị trường.
Mười hai là về du lịch, từ ngày 15/8, Việt Nam đã cấp visa online cho tất cả nước trên thế giới, tuy nhiên nhiều người nước ngoài cũng phản ánh tên website chưa thân thiện và khó tìm kiếm cho người nước ngoài, chúng tôi cũng đã có kiến nghị thay đổi.
Mười ba là quy hoạch về cơ sở lưu trú. Mô hình đảo Hải Nam Trung Quốc là mô hình rất hay mà ngành du lịch của chúng ta chưa có. Ví dụ như tại Phú Quốc, Vân Đồn thì nguồn cung rất thừa, nhưng tại đồng bằng sông Cửu Long thì chưa có.
Cuối cùng là kiến nghị về vấn đề người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam.