Đề xuất tăng tỷ lệ vốn nhà nước tại dự án PPP đường sắt lên không quá 80% tổng mức đầu tư
Tại Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) trình Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng tỷ lệ tham gia của ngân sách nhà nước đối với dự án đường sắt đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), thay vì áp dụng các quy định của pháp luật về đầu tư PPP hiện nay là tối đa không quá 50%; Phân quyền để ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư các dự án đường sắt đô thị.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đề nghị sửa đổi quy định cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án đầu tư đường sắt (đầu tư mới toàn bộ từ kết cấu hạ tầng đến phương tiện giao thông đường sắt) theo hình thức PPP không quá 80% tổng mức đầu tư.
Bổ sung quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải dành quỹ đất thích đáng tại các khu vực xung quanh ga đường sắt để phát triển đô thị, các khu dịch vụ thương mại, văn phòng, khách sạn.
Địa phương được sử dụng ngân sách của địa phương lập dự án đầu tư công độc lập (với dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt) để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất và đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sử dụng không gian ngầm, khoảng không trên cao trong khu vực đất quanh ga làm cơ sở triển khai các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cho phép sử dụng nguồn thu từ việc khai thác phát triển quỹ đất xung quanh ga được ưu tiên một phần để đầu tư trở lại cho phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.
Đối với các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đề xuất bổ sung quy định cho phép trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi được thực hiện thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay cho thiết kế cơ sở để rút ngắn thời gian thực hiện dự án.
Bổ sung quy định quyền, trách nhiệm chính quyền địa phương cấp tỉnh được thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt vùng, đường sắt đô thị đi qua địa bàn từ 2 tỉnh/thành phố trở lên sau khi được Chính phủ chấp thuận.
Với dự án đầu tư đường sắt đô thị, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định: Sau khi chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận thì giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định đầu tư dự án và tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng các dự án đường sắt đô thị để tăng tính chủ động, trách nhiệm của các địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án. Địa phương cấp tỉnh được cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị và Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị.
Đầu tư lớn, rủi ro nhiều
Bộ GTVT cho hay, lý do của các đề xuất này là do các dự án đầu tư trong lĩnh vực đường sắt mang lại hiệu quả kinh tế xã hội lớn, tuy nhiên hiệu quả tài chính nội tại của dự án không cao do tổng mức đầu tư lớn, rủi ro nhiều, do vậy việc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia theo hình thức đối tác công tư là không khả thi. Thực tế cũng chưa có dự án nào trong lĩnh vực đường sắt được thực hiện bằng hình thức này. Vì vậy, việc bổ sung quy định nâng tỷ lệ tham gia của ngân sách nhà nước trong dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt theo hình thức đối tác công tư sẽ góp phần thu hút nguồn lực ngoài ngân sách.
Cũng theo Bộ GTVT, kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc khai thác tối ưu các khu vực xung quanh ga đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn và là xu hướng mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng; mở ra không gian mới cho phát triển kinh tế, tối ưu hóa nhu cầu đi lại. Việc bổ sung quy định về khai thác quỹ đất quanh ga sẽ tạo thêm các nguồn lực quan trọng cho việc phát triển đường sắt.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-tang-ty-le-von-nha-nuoc-tai-du-an-ppp-duong-sat-19224012214485914.htm