Cần được nghiên cứu kỹ lưỡng
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm nay để phản ánh biến động các chi phí đầu vào và giúp tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.
Trao đổi với Lao Động, đại diện Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính cho biết, đối với mặt hàng điện, trong năm 2023, đã có 2 lần điều chỉnh theo quyết định của EVN trên cơ sở có sự quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức tăng lần lượt là 3% và 4,5%.
Việc đánh giá tác động của điều chỉnh giá điện được thực hiện kỹ lưỡng trong các kịch bản điều hành giá của Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ để vừa đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội.
Theo Cục Quản lý giá, tính tổng chung cả năm do tác động của việc điều chỉnh giá của EVN và nhu cầu sử dụng điện tăng trong dịp Tết, mùa hè nắng nóng nên chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 4,86% và tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.
Trao đổi với Lao Động, GS. TS Võ Đại Lược – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị cho biết, việc tăng giá điện là cần thiết để bù đắp lỗ, nhưng EVN cần công khai, minh bạch trong giá mua, bán điện, kết quả kinh doanh để không ảnh hưởng tới tâm lý người dân.
Về mức tăng giá điện, theo GS Võ Đại Lược, mức tăng giá điện nên dưới 5% thuộc thẩm quyền điều chỉnh của EVN. Mức tăng này vừa đủ để EVN giải quyết được tình trạng lỗ luỹ kế, vừa tránh ảnh hưởng rộng đến người dân.
Về thời điểm tăng giá điện, ông Lược cho biết, tuyệt đối không tăng giá điện vào mùa nắng nóng (từ tháng 5 đến tháng 7) để tránh hoá đơn tiền điện tăng sốc, gây bức xúc cho khách hàng, nên tăng giá điện vào tháng 10 năm nay.
Tuy vậy, ông Ngô Đức Lâm – nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, nhấn mạnh việc đẩy nhanh các dự án nguồn điện thay tăng giá mới là giải pháp căn cơ cho ngành điện, thay vì lấy việc tăng giá điện để xử lý các khoản lỗ của EVN. Do vậy, đề xuất tăng giá điện cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Theo chuyên gia Lâm, giá điện cần sự ổn định để giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, bởi giá điện khác với các sản phẩm khác như xăng dầu, chịu ảnh hưởng tức thời của giá thế giới, không đòi hỏi tần suất điều chỉnh ngắn.
EVN khuyến nghị khách hàng tiết kiệm điện
Trong khi đó ông Võ Quang Lâm – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, nhiệm vụ năm 2024 của EVN có hàng loạt nội dung được Bộ Công Thương, Chính phủ đặc biệt quan tâm trong đó cơ bản nhất là vẫn phải đảm bảo cung ứng điện.
“EVN xác định có 3 lĩnh vực then chốt gồm đảm bảo cung ứng điện, phát triển và duy trì nguồn điện, lưới điện và khuyến khích cơ chế tiết kiệm điện”, lãnh đạo EVN nói.
Về bảo đảm cung ứng, ông Lâm cho biết hiện nay EVN nắm giữ 37% cơ cấu nguồn điện, các nhà máy điện của tập đoàn đã được quán triệt cao, luôn phải đảm bảo duy trì hoạt động, tích nước, đủ than và chuẩn bị kịch bản sửa chữa, duy tu máy móc sớm.
Còn hơn 63% nguồn điện khác hiện đang thuộc các tập đoàn khác như Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đối tác tư nhân điện gió, mặt trời, sinh khối, EVN cũng phối hợp làm việc để yêu cầu họ chuẩn bị sẵn các kịch bản cung ứng, không để thiếu hụt điện.
Đối với phát triển nguồn điện, lưới điện, Phó Tổng EVN cho biết, trước năm 2016, EVN tham gia lĩnh vực này nhiều hơn nhưng hiện nay các dự án mới đầu tư chưa nhiều nên nguồn điện, lưới điện còn hạn chế.
Nếu việc đầu tư mới nguồn điện, lưới điện phụ thuộc năng lực tài chính, thời gian kéo dài, khó làm ngay thì giải pháp tiết kiệm điện, sử dụng hiệu quả có thể làm ngay được và ích lợi cho cả ngành điện và đất nước.
Quan trọng nhất lúc này, lãnh đạo EVN nhấn mạnh rằng tập đoàn này mong muốn toàn bộ khách hàng của mình tham gia vào kế hoạch tiết kiệm điện, trong đó lớn nhất là khách hàng công nghiệp – xây dựng và khách hàng hộ tiêu dùng.