Các doanh nghiệp trong ngành năng lượng đề xuất đưa vào Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), nhiều cơ chế mở về giá bán điện, quy định về đầu tư dự án, có sự cam kết của Chính phủ về sự ổn định của giá mua, bán điện…
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được các doanh nghiêp đánh giá là đã đưa ra nhiều quy định nhằm xây dựng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Từ đó, thúc đẩy đầu tư, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác.
“Chúng tôi rất phấn khởi khi một số góp ý của Nhóm đã được tiếp thu và chỉnh sửa trong Dự thảo lần thứ 5 này. Chúng tôi đồng tình với tinh thần sửa đổi hướng tới mục tiêu đảm bảo sự phù hợp và theo kịp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường điện Việt Nam cũng như giải quyết những vấn đề tồn đọng trong việc phát triển năng lượng tái tạo”, bà Phạm Linh Ngân, Trưởng ban thư ký Nhóm công tác về điện và năng lượng Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nói.
Dù vậy, khi nghiên cứu sâu các điều khoản, nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn về giá mua bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
“Chúng tôi muốn làm rõ, liệu giá thắng thầu có phải là giá để ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN hay không? Hay chủ đầu tư phải thực hiện đàm phán lại giá mua bán điện với EVN sau khi thắng thầu. Chúng tôi cho rằng, nên áp dụng theo hướng giá thắng thầu là giá ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN và không thực hiện đàm phán lại”, bà Ngân đề xuất.
Đối với điện mặt trời mái nhà, dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2024/NĐ-CP liên quan đến hợp đồng mua bán điện mặt trời trực tiếp, nhưng vẫn thiếu cơ chế cụ thể cho nhà đầu tư.
Ông Phạm Đăng An, Phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group cho biết, Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi lần này đã bao gồm các phần đề cập việc bán buôn điện giữa các bên thứ ba, nhưng cần bổ sung các quy định cụ thể cho phép nhà đầu tư thứ ba tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà thông qua các hợp đồng mua bán điện. Từ đó mới giúp doanh nghiệp sản xuất tiếp cận nguồn tài chính cần thiết, giảm thiểu áp lực về dòng tiền và thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo.
“Điều này rất cần thiết trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo và cần những giải pháp tài chính linh hoạt để thực hiện chuyển đổi xanh. Nếu để một doanh nghiệp sản xuất tự đầu tư tự vận hành để phục vụ cho chính mình thì rất khó đáp ứng được”, ông An đề xuất bổ sung vào Dự thảo.
Để tạo sự linh hoạt hơn trong việc mua bán điện, bà Linh Ngân đề xuất cho các dự án điện mà giá chuẩn chưa được xác định và các nhà máy mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, thì bên phát điện và bên mua điện được tự do quyết định giá điện.
Tại khu vực phía Nam có nhiều doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời trên mái nhà xưởng đang gặp vướng mắc liên quan đến vấn đề đấu nối và giá bán. Ông Nguyễn Duy Thịnh, Giám đốc Đầu tư và phát triển dự án của SolarBK cho biết, theo Luật Điện lực hiện hành, khái niệm về đấu nối vào lưới điện quốc gia chưa được định nghĩa cụ thể. Đây là khái niệm rất cơ bản, song có nhiều luồng ý kiến khác nhau trong việc xác định một dự án như thế nào là đấu nối vào lưới điện Quốc gia, đấu nối gián tiếp hay trực tiếp. “Luật Điện lực cần làm rõ khái niệm này”, vị này kiến nghị.
Cũng liên quan đến việc đấu nối lưới điện, ông Phạm Đăng An đề xuất, Luật Điện lực sửa đổi cần chi tiết hóa vấn đề liên quan đến thủ tục đấu nối điện mặt trời mái nhà và các tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy.
Khi có quy định cụ thể sẽ đảm bảo an toàn cho hệ thống điện quốc gia và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đồng thời giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa lợi ích từ các dự án năng lượng tái tạo.
Về vấn đề đầu tư các dự án điện, LS. Cao Trần Nghĩa, Công ty luật Nishimura & Asahi Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến tính khả thi cấp vốn được nêu trong Luật Điện lực để cân nhắc khả năng đầu tư.
Theo ông Nghĩa, nếu bên mua điện như EVN không được Chính phủ bảo đảm, các nhà tài trợ sẽ e dè khi rót vốn vào các dự án năng lượng tại Việt Nam. Tuy vậy, ông Nghĩa nhận định, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, thì không thể áp dụng bảo lãnh Chính phủ. Vì vậy, để nâng cao uy tín tín dụng của các doanh nghiệp nhà nước như EVN, Ban Soạn thảo có thể đưa vào Điều 5 của Dự thảo một cam kết của Chính phủ đối với sự ổn định trong hoạt động của bên mua trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện, bao gồm cả việc chi trả các khoản nợ của EVN đối với nhà đầu tư, đảm bảo dòng tiền thu được cho nhà đầu tư và nhà tài trợ dự án.
Nguồn: https://baodautu.vn/de-xuat-nhieu-co-che-mo-khi-sua-luat-dien-luc-d224604.html