Tham dự buổi làm việc có Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp – Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Đoàn. Về phía lãnh đạo tỉnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 3 cơn bão ảnh hưởng đến thời tiết của tỉnh, 21 đợt không khí lạnh… Tổng thiệt hại do thiên tai năm 2022 trên địa bàn tỉnh hơn 1.400 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Thừa Thiên Huế đã bị ảnh hưởng của 8 đợt không khí lạnh có cường độ trung bình đến mạnh, 2 đợt mưa lớn, 3 đợt giông, lốc sét và 7 đợt nắng nóng đã gây thiệt hại về tài sản nhà cửa, tàu thuyền của người dân.
Trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai 10 tháng đầu năm 2022 của Chính phủ với kinh phí 150 tỷ đồng, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án phân bổ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai.
Cụ thể, đã bố trí 30 tỷ đồng bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các địa phương hỗ trợ dân sinh, sản xuất nông nghiệp, khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng, khắc phục hậu quả thiên tai; bố trí 120 tỷ đồng để thực hiện các công trình, dự án quan trọng nhằm khắc phục hậu quả thiên tai như xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển đoạn qua Thuận An – Tư Hiền, sạt lở bờ biển xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và khắc phục hư hỏng các công trình.
Hiện nay, các dự án đang triển khai thực hiện và sẽ giải ngân hết phần vốn đã bố trí trong năm 2023. Ngoài ra, UBND tỉnh đã bố trí 20 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết, là địa phương thường xuyên gánh chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu nên công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản cho Nhân dân. Tỉnh Thừa Thiên Huế nằm tốp đầu về công tác PCTT theo Bộ Chỉ số PCTT.
Để tạo điều kiện cho tỉnh có nguồn kinh phí thực hiện khắc phục hậu quả, phục hồi sinh kế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, các bộ ngành xem xét hỗ trợ cho tỉnh các dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển đoạn xung yếu tại xã Phú Hải – Phú Diên, huyện Phú Vang với chiều dài 1,9km, kinh phí khoảng 190 tỷ đồng; hỗ trợ xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu khoảng 2,8 km với kinh phí khoảng 200 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng kè chống sạt lở bờ sông và nạo vét các trục thủy đạo ở hạ lưu sông Hương, sông Bồ, sông Truồi, kinh phí khoảng 300 tỷ đồng.
Ngoài ra, hỗ trợ dự án nâng cấp hệ thống đê điều và các cống trên đê ven Phá Tam Giang – Cầu Hai để tăng khả năng thoát lũ, chống úng, ngập, bảo đảm sản xuất nông nghiệp, kinh phí khoảng 500 tỷ đồng. Nâng cấp đảm bảo an toàn cho 12 hồ chứa nước với kinh phí 220 tỷ đồng và nâng cấp, sửa chữa công trình đường giao thông tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn với kinh phí 100 tỷ đồng.
Kết luận buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp – Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Đoàn đề nghị tỉnh chú trọng đảm bảo các phương án liên quan đến vận hành hồ chứa, phương án an toàn đối với thông tin liên lạc. Quan tâm đến công tác dự báo, cảnh báo khi có thiên tai xảy ra, hỗ trợ, tăng cường tập huấn, diễn tập cho các lực lượng tìm kiếm cứu hộ, thực hiện tốt hơn nữa công tác “4 tại chỗ”;
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai; đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT và triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”.
Ông Nguyễn Văn Đoàn đề nghị các thành viên đoàn công tác tiếp thu các ý kiến, đề xuất của tỉnh và báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT để có những phương án xử lý kịp thời, hiệu quả.
Dịp này, Đoàn kiểm tra Trung ương về công tác PCTT đã có chuyển kiểm tra, khảo sát thực địa tại cảng cá Thuận An và khu vực dự án kè chống sạt lở Phú Thuận.