Nhằm góp phần vào công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày 16/5, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn; Ủy viên Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Trần Đức Long chủ trì tọa đàm.
Tham dự tọa đàm về phía Trung ương Hội Luật gia Việt Nam có các đồng chí đại diện các ban chuyên môn, văn phòng và các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội.
Về phía khách mời có các đồng chí đại diện chi hội luật gia các bộ, ngành trực thuộc Trung ương như: Bộ Xây dựng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Viện Nhà nước và pháp luật, Đại học Ngoại thương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh…
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Trần Công Phàn cho biết, Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến khai mạc vào ngày 22/5/2023.
Theo Phó Chủ tịch Trần Công Phàn, đây là luật khó và có liên quan đến nhiều luật khác. Trong quá trình thực thi đã có nhiều sai sót, vi phạm, thậm chí có tội phạm từ lĩnh vực này. Do đó, cần phải sửa đổi Luật để đảm bảo đồng bộ với các luật khác, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc hiện nay.
Nhấn mạnh vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong việc tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học đóng góp đối với nhiều dự án luật dưới nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt là từ sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 14 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, Phó Chủ tịch Trần Công Phàn cho rằng, điều này thể hiện trách nhiệm của Hội trong việc nghiên cứu, phản biện chính sách, pháp luật.
Đối với dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) có 10 chương, 99 điều, Hội Luật gia mong muốn đóng góp những ý kiến xây dựng, phản biện khách quan nhất.
Phó Chủ tịch Trần Công Phàn hy vọng tại tọa đàm này, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu sẽ có nhiều ý kiến, đóng góp vào dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Với sự điều hành của Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Trần Đức Long nhiều đại biểu đã phát biểu ý kiến, tham luận.
Luật gia Trần Hữu Huỳnh – Chi hội trưởng, Chi hội Luật gia Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nguyên Trưởng ban pháp chế VCCI góp ý về 10 vấn đề. Trong đó, ông đặc biệt quan tâm đến chính sách xác định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật đấu thầu, các luật có liên quan và điều ước, thỏa thuận quốc tế, về ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ .
Về đối tượng áp dụng, trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đưa ra hai phương án, ông Huỳnh tán thành với việc cần áp dụng quy định theo phương án 2 để không bỏ lọt một khối lượng rất lớn các dự án sử dụng vốn Nhà nước khác nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hạn chế tiêu cực tham nhũng và tăng tính minh bạch cạnh tranh trong đấu thầu, phù hợp với Chính sách số 5 mà ban soạn thảo đề ra khi xây dựng Luật này “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đấu thầu, phòng chống tiêu cực, tham nhũng và lãng phí trong hoạt động đấu thầu”.
Tại khoản 8 của Điều 3 dự thảo Luật quy định: “Trong các trường hợp sau, người đứng đầu cơ quan tổ chức doanh nghiệp được phép tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.
Ông Huỳnh cho rằng, hiện nay không có một quy định pháp luật nào định nghĩa về ai “người đứng đầu” cơ quan, tổ chức, nhất là tại doanh nghiệp. Ngoài ra, thẩm quyền quyết định các vấn đề trong doanh nghiệp phụ thuộc vào quy định của Luật doanh nghiệp, Điều lệ doanh nghiệp… Do đó, sẽ có khó khăn thực tế phát sinh về xác định ai là “người đứng đầu” và nguy cơ xung đột pháp luật rất cao nếu Luật đấu thầu quy định cứng thẩm quyền của “người đứng đầu” về 5 trường hợp nêu tại khoản 8 của Điều 3 của Luật đấu thầu”.
Liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế, ông Huỳnh cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm. Ông cũng chỉ ra những vấn đề hiện hữu trong lĩnh vực này thời gian qua.
Do đó, ông góp ý: “Cần xem xét các quy định đấu thầu trong lĩnh vực y tế, cụ thể là đấu thầu tập trung mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, nhất là thiết bị y tế, một loại hàng hóa rất đặc biệt, gắn với khuyến mãi, hậu mãi, đào tạo, hướng dẫn mà việc mua sắm tập trung sẽ gần như triệt tiêu chuỗi giá trị cung ứng này, gây khó khăn cho các cơ sở y tế lẫn quyền lợi của người bệnh”.
Bên cạnh đó, ông Huỳnh cũng đề cập đến các vấn đề như: Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; nguyên tắc áp dụng Luật đấu thầu; các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu…
Cũng cho ý kiến tại tọa đàm, Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến – Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu.
Việc sửa đổi Luật nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về đầu tư và xây dựng, hạn chế và loại trừ được tình trạng thất thoát, lãng phí vốn ngân sách Nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các chủ thể tham gia. Đặc biệt, phải phù hợp với các chuẩn mực quốc tế hiện đại.
Quan tâm đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế, Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến đề xuất nên dành một chương riêng trong Luật Đấu thầu để quy định về đấu thầu thiết bị y tế.
Cùng chung quan điểm với Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến, Phó trưởng ban Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Văn Hợp kiến nghị nên dành một chương để quy định rõ hơn, cụ thể hơn các quy định liên quan đến đấu thầu thuốc, vật tư y tế, hóa chất…
Vụ trưởng Vụ pháp chế – Bộ Xây dựng, Chi hội trưởng chi hội Luật gia Bộ Xây Dựng Tống Thị Hạnh ghi nhận những nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Tuy nhiên, theo bà Hạnh đến thời điểm hiện nay vẫn còn một số nôi dung cần tiếp tục được hoàn thiện trước khi Quốc hội thông qua, làm sao bảo đảm được tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tính khả thi khi triển khai thực hiện trên thực tế.
Tọa đàm cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học về các vấn đề như: Tư cách hợp lệ của nhà thầu; các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu; các hình thức lựa chọn nhà thầu; quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; đấu thầu qua mạng…
Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch Trần Công Phàn ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia đối với dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Những ý kiến của các chuyên gia sẽ được Hội Luật gia Việt Nam tổng hợp và Hội sẽ có ý kiến chính thức về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật gửi đến UBTVQH, Quốc hội và các cơ quan có liên quan.
“Mục tiêu là khi Luật được thông qua thì tính khả thi cao hơn, khắc phục được những bất cập, vướng mắc của luật hiện hành”, Phó Chủ tịch Trần Công Phàn nhấn mạnh.
Hoàng Bích – Phương Thảo
Ảnh: Hữu Thắng