Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có nhiều chính sách về tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo.
Một trong những chính sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất trong dự án luật là quy định về tiền lương và phụ cấp của nhà giáo.
Tại Dự thảo Luật Nhà giáo lần 3 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để lấy ý kiến, Điều 43 về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo quy định: Nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được hưởng lương và phụ cấp như sau: Lương theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; Phụ cấp thâm niên; Phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất trong các ngành, lĩnh vực được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề; Phụ cấp khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, tại dự thảo mới nhất, nhà giáo sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên. Đồng thời, nhà giáo vẫn được hưởng lương theo bảng lương được xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất trong các ngành, lĩnh vực. Đây là tín hiệu vui đối với nhà giáo trong cả nước.
Theo kế hoạch, dự án Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2024) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ Chín (tháng 5.2025).
Trước đó, theo kế hoạch, từ ngày 1.7.2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII). Trong đó, sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức).
Tuy nhiên vì nhiều lý do, việc thực hiện bảng lương theo vị trí việc làm chưa thể thực hiện được. Chính phủ đã quyết định tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ 1.7.2024. Nhà giáo vẫn được giữ nguyên các khoản phụ cấp cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới theo vị trí việc làm.
Nếu Luật Nhà giáo được thông qua, thì nhà giáo sẽ vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên để thực hiện được mục tiêu lương nhà giáo ưu tiên xếp cao nhất trong thang bậc lương hành chính sự nghiệp trong thời gian sắp tới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.
Dự thảo Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 71 điều, bám sát 05 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP năm 2023 của Chính phủ. Mục đích xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”; phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là trọng tâm, xuyên suốt; xây dựng đội ngũ nhà giáo, tạo động lực cho người dạy, học và tôn vinh nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.
Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/de-xuat-moi-ve-phu-cap-tham-nien-tien-luong-giao-vien-1394284.ldo