Luật Kinh doanh Bất động sản được ban hành năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được thì pháp luật về kinh doanh bất động sản cũng đã xuất hiện những tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi bổ sung.
Quy định hiện nay không bắt buộc việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng. Theo các đại biểu, việc này khiến xuất hiện tình trạng trốn thuế, phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong giao dịch.
Vừa qua, khi thảo luận một số điều còn ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), nhiều ĐBQH đề xuất khi sửa luật lần này, Nhà nước cần đưa ra chính sách bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt với giao dịch bất động sản, đảm bảo mục tiêu phòng chống tham nhũng.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào ngày 31/10, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (ĐBQH đoàn Quảng Bình) kiến nghị khi sửa luật lần này, Nhà nước cần đưa ra chính sách bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt với giao dịch bất động sản để bảo đảm thực hiện mục tiêu phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
“Với những giao dịch lớn như các giao dịch bất động sản thì Nhà nước cần thực hiện chính sách bắt buộc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Xuân An (Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh, ĐBQH đoàn Đồng Nai) cũng đề nghị tất cả giao dịch bất động sản cần thanh toán qua ngân hàng, không chỉ riêng phần của chủ doanh nghiệp, chủ đầu tư. Tức là mọi giao dịch mua bán, chuyển nhượng hay cho thuê giữa các cá nhân nhưng có tính chất kinh doanh cũng bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng.
“Chúng ta đã tiến được một bước tiến đáng kể thực hiện giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, tôi đề nghị phải cách mạng thêm”, ông An nêu.
Trước đó, phát biểu thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5 diễn ra vào chiều 23/6, ĐBQH Phạm Văn Thịnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang), cho rằng dự thảo Luật nên quy định phương thức thanh toán dịch bất động sản là phải chuyển khoản qua ngân hàng bởi việc này thực hiện không khó. Việc thanh toán qua ngân hàng trong nền kinh tế đã phổ biến và tiện dụng.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Thịnh, đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021- 2025 đã được Chính phủ ban hành, trong có nêu việc sửa đổi các văn bản pháp luật quy định theo hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực có giá trị giao dịch lớn như bất động sản…
“Chính phủ và các địa phương cũng đã quy định và thực hiện được việc thanh toán không dùng tiền mặt với phạm vi toàn quốc với việc thu học phí các bậc học phổ thông, thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường, tiền điện, nước sinh hoạt”, đại biểu Thịnh nêu.
Do đó, đại biểu Thịnh cho rằng, không có lý do gì để giải thích khi không quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với giao dịch bất động sản.
Ngoài ra, quy định thanh toán qua ngân hàng còn là một hình thức bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan khi có tranh chấp xảy ra. Vì thực tế khi giao dịch bất động sản không qua sàn, tức chỉ có hợp đồng chuyển nhượng được công chứng viên chứng thực nên vẫn xảy ra rủi ro cho cả hai bên khi có tranh chấp.
“Vì vậy, dữ liệu thanh toán qua ngân hàng sẽ là một tài liệu quan trọng để xác định trách nhiệm và nghĩa vụ các bên liên quan khi có tranh chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất xảy ra. Đặc biệt, việc quy định thanh toán qua ngân hàng còn góp phần chống thất thu thuế một cách hiệu quả khi giá trị giao dịch bất động sản lớn…”, ông Thịnh cho hay.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, tiền mặt được giao dịch tự do, nhiều người mang hàng vali tiền mặt đi mua bất động sản mà không bị kiểm soát. Tuy nhiên, không ai biết những đồng tiền đó được lấy từ đâu ra, là tiền hợp pháp hay phi pháp. Khi nguồn tiền “bẩn” mang đi đầu tư bất động sản sẽ được “rửa” thành tiền “sạch”, hợp pháp”.
Ông Hiếu cho rằng, khi thực hiện thanh toán mua bán bất động sản qua ngân hàng, cơ quan an ninh tiền tệ có thể truy xuất nguồn gốc, dòng tiền, phát hiện hiện tượng rửa tiền đối với những giao dịch bất thường. Thậm chí, những đồng tiền “bẩn” có thể không tiêu được nếu ngân hàng yêu cầu khai báo nguồn gốc khi chuyển tiền vào ngân hàng.
Ông Hiếu cho biết, tại Mỹ, chính quyền không giới hạn hình thức thanh toán bất động sản. Nhưng nếu mua nhà đất sử dụng tiền mặt từ 10.000 USD trở lên, bên bán phải khai báo việc này với các cơ quan quản lý. Việc này giúp cơ quan quản lý nắm bắt nguồn gốc số tiền, có thể phục vụ hoạt động điều tra tiền tệ khi cần thiết.
Các ngân hàng ở Mỹ liên thông thông tin, giúp phát hiện hiện tượng người gửi lách luật, chia nhỏ số tiền để đưa vào ngân hàng ở nhiều chi nhánh khác nhau.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp bất động sản, nhiều cá nhân hay doanh nghiệp có thể không đồng tình với quy định giao dịch phải qua ngân hàng do ảnh hưởng đến trực tiếp lợi ích của họ. Nhưng đây là xu thế chung của thế giới.