Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, kiến nghị điều chỉnh, hoàn thiện chính sách xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không, sân bay và tập trung đầu tư xây cảng hàng không, sân bay, làm bệ đỡ cho các hãng hàng không gia tăng quy mô, tăng cạnh tranh và tăng tốc phát triển.
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau, phát biểu thảo luận.
Ông Thanh thông tin, hiện nay Việt Nam có 22 cảng hàng không. Nhiều cảng bị quá tải vào dịp cao điểm gây ùn tắc, chậm chuyến. So với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang là nước có mật độ sân bay thuộc vào loại thấp nhất, số lượng sân bay hạn chế như hiện nay là điều đáng quan ngại khi tốc độ tăng trưởng vận chuyển cao.
Kiến nghị cần tăng số lượng cảng hàng không, sân bay, theo ông Thanh thì nguồn lực đầu tư không nên dựa vào ngân sách, vào Trung ương nữa mà nên để địa phương muốn mở sân bay được tự quyết. Địa phương được quyền sử dụng ngân sách hợp pháp của địa phương để làm sân bay hoặc huy động tư nhân đầu tư.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng Đề án xã hội hóa đầu tư, quản lý khai thác cảng hàng không, sân bay. Theo phương án này thì Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ không còn độc quyền đầu tư, vận hành, khai thác cảng hàng không ở Việt Nam nữa.
Ông Thanh đánh giá, chủ trương xã hội hóa của Chính phủ và Bộ GTVT là chủ trương mang tính đột phá, rất đáng mừng. Tuy nhiên, nói về sân bay Cà Mau, ông Thanh cho rằng, nếu theo đúng cơ chế, chính sách xã hội hóa cảng hàng không, sân bay như dự thảo hiện nay thì Cà Mau dễ bị bỏ rơi.
“Vì ACV không còn trách nhiệm đầu tư mở rộng, nâng cấp cảng hàng không Cà Mau nữa. Kể cả ACV có trách nhiệm đầu tư sân bay Cà Mau thì tỉnh cũng phải đợi nhiều năm nữa, sau khi ACV xây xong cảng hàng không Long Thành. Còn nhà đầu tư mới thì vì chưa thấy hấp dẫn nên rất khó thu hút họ đầu tư. Dù từ nay đến 2050, tổng vốn đầu tư sân bay Cà Mau khoảng 4.700 tỷ đồng, chỉ tương đương với 20 km đường cao tốc Dầu Dây – Long Thành!”, ông Thanh nói.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội hội tỉnh Cà Mau, đề xuất Chính phủ xem xét có chính sách giảm thuế, phí, lãi suất phù hợp đối với doanh nghiệp và mở rộng thêm làn đường từ Trung Lương đến Mũi Cà Mau.
Ông Hận cho rằng sau thời gian dịch bệnh, kinh tế khó khăn, hầu hết người dân phải thắt chặt chi tiêu. Do đứt gãy nguồn cung ứng, người nuôi tôm không tiêu thụ được sản phẩm hoặc phải bán với giá rất rẻ, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên sản phẩm bán ra không đủ bù đắp chi phí đầu vào dẫn đến nhiều hộ nuôi tôm đang lao đao, có nguy cơ vỡ nợ và nghèo hóa.
Tình hình kinh doanh ngành thủy sản đến nay vẫn không khá hơn, nhiều công ty đã kiệt sức phải đóng cửa, một số khác phải bán rẻ tài sản để tránh vỡ nợ hoặc co hẹp quy mô sản xuất, giảm nhân sự để cầm cự.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng một phần cũng đến từ vấn đề nội tại như tắc nghẽn dòng vốn; mặt bằng lãi suất tăng nhanh từ tháng 7/2022, với lãi suất trung bình 12%/năm, thậm chí có nơi 14%/năm; việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp gặp khó do các ngân hàng lo ngại rủi ro…
Qua đó, ông Hận đề xuất Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất với Quốc hội, hoặc xem xét có chính sách giảm thuế, phí, lãi suất phù hợp. Rà soát các bất cập để tiếp tục thực hiện gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% thuộc chương trình phục hồi kinh tế-xã hội, góp phần tạo môi trường thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh.
Đề cập đường cao tốc Bắc-Nam phía đông, ông Hận phản ánh, đoạn cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Trung Lương từ khi bỏ thu phí đến nay mặt đường đang xuống cấp, trong khi đó lưu lượng xe lớn, dẫn đến tình trạng lộn xộn, ách tắt, gây mất an toàn giao thông.
Đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thì khá hẹp, lại không có làn đường khẩn cấp. Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và Cần Thơ – Cà Mau thi công rất chậm, nhất là cao tốc Cần Thơ – Cà Mau do thiếu cát đắp nền.
Theo đó, ông Hận kiến nghị Chính phủ sớm trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép thu phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư, để khởi động lại việc thu phí đoạn TP Hồ Chí Minh – Trung Lương. Từ nguồn thu phí và nguồn ngân sách nhà nước đầu tư nâng cấp tuyến đường này; mở rộng thêm làn đường từ Trung Lương đến Mũi Cà Mau; có giải pháp về cát đắp nền tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau hoặc xây theo hướng cầu cao để các tuyến này hoàn thành đúng tiến độ.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận đồng thời nhắc lại kiến nghị của mình tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, đó là đầu tư nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn trùng với Quốc lộ 63 qua tỉnh Cà Mau, trước mắt nhanh chóng nâng cấp mở rộng đoạn qua nội ô TP Cà Mau./.
Mộng Thường