Trên đây là ý kiến của TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), liên quan đến đề xuất miễn học phí cho con giáo viên đang xôn xao dư luận gần đây.
Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 10/10, ông Đức cho biết, việc cơ quan quản lý đưa ra đề xuất và nhận được phản hồi của dư luận là điều bình thường.
Thực ra khi đưa đề xuất này, Bộ GD&ĐT mong muốn có những chính sách ủng hộ cho con nhà giáo, coi như chính sách ưu tiên của ngành.
Mục đích của chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, giúp nhà giáo có đời sống ổn định, yên tâm công tác cũng như thu hút được người giỏi vào ngành.
Tuy nhiên, khi đưa ra đề xuất, đã có nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội. Với tinh thần cầu thị, Ban soạn thảo luôn lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, của xã hội và các cơ quan chức năng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo, sao cho hài hòa giữa các ngành nghề khác nhau và đảm bảo nguồn lực quốc gia.
“Đây mới chỉ là dự thảo, chưa phải ý kiến cuối cùng đưa vào luật. Đặc biệt, khi đưa ra bất cứ chính sách nào, chúng tôi phải đánh giá tác động, chính sách nào nhận được đồng thuận cao mới đưa vào luật sao cho phù hợp.
Với dự kiến miễn học phí cho con giáo viên vừa đưa ra, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của dư luận với tinh thần cầu thị, chúng tôi sẽ rà soát các nội dung của dự thảo để có tính toán phù hợp với điều kiện thực tiễn kinh tế xã hội và công bằng với các ngành nghề khác”, ông Đức nói.
Trước đó, ngày 8/10, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về Dự thảo Luật nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề xuất chính sách miễn học phí đối với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác. Nếu chính sách có hiệu lực, dự kiến mức chi mỗi năm hơn 9.200 tỷ đồng cho nội dung này.
Đề xuất vấp phải phản ứng trái chiều của dư luận. Một giáo viên nghỉ hưu tại Quảng Ninh cho rằng, con giáo viên có nhiều cơ hội học tập hơn con em các gia đình lao động khác, không nên là đối tượng được ưu tiên về học phí.
Cô giáo này cho rằng, rất nhiều ngành nghề trong xã hội có mức thu nhập thấp hơn nhiều so với nghề giáo. Con em của các gia đình này có ít cơ hội học tập hơn so với con em giáo viên do thiếu thốn kinh tế và thiếu thốn sự quan tâm, chăm sóc, đầu tư về giáo dục.
Từ thực tế này, cô giáo đề xuất chính sách miễn học phí chỉ nên áp dụng với các đối tượng cụ thể thay vì áp dụng theo ngành nghề. Với nghề giáo, chính sách nên áp dụng với các giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt, giáo viên ở các vùng kinh tế xã hội khó khăn, giáo viên là mẹ đơn thân, bố đơn thân…
Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền nhận định, đề xuất miễn học phí cho con giáo viên là một chính sách thể hiện sự trân trọng với nhà giáo. Song bà Huyền cho rằng, chính sách mang tính động viên, chia sẻ về mặt tinh thần nhiều hơn.
“Học phí công lập bậc mầm non cho đến hết THPT hiện đang rất thấp, dao động trong khoảng hơn 100.000 đồng đến hơn 300.000 đồng/tháng. Gánh nặng nuôi con trẻ ăn học ở mỗi gia đình không nằm ở học phí mà đến từ nhiều chi phí khác trong nhà trường và ngoài nhà trường như quỹ phụ huynh, hoạt động ngoại khóa, học thêm…
Với con số dự kiến là 9.200 tỷ đồng/năm, liệu việc miễn học phí cho con giáo viên có ảnh hưởng tới ngân sách dành cho các ngành khác hay không. Điều này phải xem xét kỹ”, TS Nguyễn Thị Thu Huyền phân tích.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/de-xuat-mien-hoc-phi-con-giao-vien-bo-gddt-lang-nghe-va-tinh-toan-lai-20241010221844589.htm