Ông Vũ Minh Đức cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, ban soạn thảo có căn cứ vào nguyện vọng chung của nhà giáo về việc có chính sách ưu tiên cho con nhà giáo, cụ thể là miễn học phí các cấp.
Quan điểm của ban soạn thảo khi đưa nội dung này vào dự thảo luật cũng là thể hiện sự tôn vinh, ghi nhận cống hiến của nhà giáo, góp phần khích lệ nhà giáo yên tâm, gắn bó với nghề.
Trên thực tế ở một số ngành đặc thù khác cũng có các chính sách ưu tiên. Ví dụ như chính sách mua bảo hiểm, hay khám chữa bệnh cho thân nhân của người làm việc trong lực lượng vũ trang. Nghề giáo cũng là một nghề đặc thù để đề xuất những ưu tiên, ưu đãi đối với thân nhân của họ.
* Nhưng đề xuất này đang vấp phải ý kiến trái chiều. Ông có suy nghĩ thế nào về các luồng ý kiến này?
– Đề xuất nằm trong dự thảo và Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang tiếp tục lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến các bộ, ngành, ý kiến của người dân và của chính các nhà giáo. Tuy nhiên tôi vẫn khẳng định lại, đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo xuất phát từ quan điểm tôn vinh và ghi nhận chứ không phải đó là chính sách hỗ trợ vì họ gặp khó khăn.
* Có ý kiến của đại biểu Quốc hội lo ngại đề xuất của cơ quan soạn thảo Luật Nhà giáo có thể bị dư luận đánh giá mang “lợi ích nhóm” cho riêng ngành của mình. Vì bên cạnh việc này, nhà giáo đang được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Thực tế có một bộ phận giáo viên có thu nhập cao hơn viên chức ngành khác. Xã hội còn nhiều đối tượng yếu thế cần hỗ trợ hơn. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
– Theo khảo sát của chúng tôi, sau khi áp dụng nâng lương cơ sở thì thu nhập cao nhất của nhà giáo, bao gồm lương, các loại phụ cấp có thể lên tới 30 triệu đồng/tháng, nhưng số hưởng mức này không nhiều.
Một bộ phận lớn nhà giáo đang hưởng mức thu nhập rất thấp, từ 6,8 đến dưới 10 triệu đồng/tháng. Kể cả khi lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp thì chưa chắc nhà giáo đã sống đủ với thu nhập từ nghề.
Trong khi đặc thù của nghề giáo có nhiều áp lực, thời gian lao động căng thẳng. Những người có thu nhập cao là do được cộng các phụ cấp theo đối tượng, vùng miền khó khăn. Nhưng họ phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, thậm chí nguy hiểm rình rập. Những thiếu thốn, tổn thất tinh thần rất lớn.
Thấu hiểu điều đó, trong quá trình xây dựng luật, chúng tôi chỉ mong muốn các chính sách với nhà giáo có thể khích lệ động viên một phần để họ gắn bó với nghề.
Nói đó là “nhóm lợi ích” thì “nhóm” đó là hơn 1,6 triệu giáo viên trên cả nước. Họ đang tham gia vào giáo dục cho gần 24 triệu học sinh, sinh viên, liên quan tới tất cả mọi gia đình.
Giáo dục là gốc rễ, muốn giáo dục có chất lượng, phát triển thì phải chăm lo cho đội ngũ nhà giáo.
* Vậy trước những ý kiến chưa đồng thuận, ông có cho rằng đề xuất của ban soạn thảo về vấn đề miễn học phí có thể khả thi không?
– Về nguyên tắc, chỉ những nội dung đã chín, có sự đồng thuận cao chúng tôi mới đưa vào dự thảo luật cuối cùng để trình lên Quốc hội. Hiện tại chúng tôi đang tiếp tục tập hợp, phân tích các ý kiến đóng góp, đánh giá tác động kỹ đề xuất này.
Ngoài ra đề xuất cũng còn phải cân nhắc đến điều kiện đi kèm, cụ thể là nguồn ngân sách để đáp ứng.
Đề xuất cũng sẽ xem xét trên cơ sở cân đối hài hòa với các lĩnh vực, ngành nghề khác nữa.
Sẽ chi trả thêm 9.212 tỉ đồng nếu đề xuất được áp dụng
Dự thảo Luật Nhà giáo vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận đưa ra nội dung miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác tại ngành giáo dục từ cấp mầm non đến đại học.
Căn cứ vào độ tuổi của nhà giáo và dự tính độ tuổi của con, Chính phủ cho biết hằng năm ngân sách nhà nước sẽ phải chi trả thêm 9.212 tỉ đồng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/de-xuat-mien-hoc-phi-cho-con-nha-giao-bo-gd-dt-noi-gi-20241011134829888.htm