Thời gian thực hiện dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành được đề xuất lùi 1 năm, từ tháng 9/2025 sang tháng 9/2026.
Cần thêm thời gian thi công cầu có quy mô lớn nhất dự án
Bộ GTVT vừa gửi tờ trình báo cáo Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Hai nội dung quan trọng được đề xuất là kéo dài thời gian thực hiện dự án đến ngày 30/9/2026 và điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư hơn 486 tỷ đồng.
Bộ GTVT cho biết, theo phương án được được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, thời gian thực hiện dự án Bến Lức – Long Thành là đến ngày 30/9/2025.
Như vậy, thời gian thực hiện dự án chỉ còn hơn 9 tháng, trong khi để hoàn thành gói thầu J3-1 cần phải thực hiện các thủ tục: điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh dự án đầu tư để sử dụng nguồn vốn VEC tự thu xếp cho Gói thầu J3-1; tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng; huy động công trường và triển khai thi công xây dựng.
Để rút ngắn tiến độ triển khai Gói thầu J3-1 nhằm mục tiêu sớm hoàn thành đưa tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành vào khai thác sử dụng, VEC đã đề xuất tổ chức lựa chọn nhà thầu song song với việc thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để sớm triển khai thi công.
VEC đã phát hành hồ sơ mời thầu (E- HSMT) gói thầu J3-1 vào ngày 18/7/2024 theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, thời gian thực hiện là 13 tháng; thời gian đóng thầu là ngày 6/8/2024.
Đến nay, VEC đã hoàn thành công tác đánh giá thầu, song, việc công bố kết quả và đàm phán, ký kết hợp đồng chưa thể thực hiện do chờ phê duyệt điều chỉnh chủ trương và điều chỉnh dự án đầu tư để sử dụng vốn của VEC.
Với tiến độ hiện nay, dự kiến, đến tháng01/2025 sẽ hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đến tháng 2/2025 hoàn thành thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư.
VEC sẽ đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà thầu Gói thầu J3-1 để triển khai thi công từ tháng 3/2025. Với thời gian thi công là 13 tháng, phải đến tháng 4/2026 nhà thầu sẽ hoàn thành gói thầu J3-1.
“Gói thầu J3 thi công hoàn thiện cầu Phước Khánh là cầu dây văng lớn, có tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam (55m) nên việc thi công của nhà thầu Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, VEC kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 30/9/2026, thêm 5 tháng so với kế hoạch dự kiến để dự phòng khó khăn phát sinh chưa lường hết.
Việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 30/9/2026 cũng sẽ tạo điều kiện hoàn thành Gói thầu XL-NG51 là nút giao liên thông với QL51 và cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (dự kiến vào tháng 4/2026).
Tại Báo cáo thẩm định số 10166/BC-BKHĐT ngày 09/12/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đánh giá: “Đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 30/9/2026 của Bộ GTVT là có cơ sở để đảm bảo thời gian hoàn thành dự án”, Bộ GTVT thông tin.
Bổ sung hơn 1.855 tỷ đồng vốn VEC tự thu xếp
Về nguồn vốn thực hiện dự án, theo Bộ GTVT, trên cơ sở Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 3/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, với tổng mức đầu tư là 30.073 tỷ đồng.
Sau khi rà soát chi tiết các nội dung điều chỉnh dự án, Bộ GTVT đã có Quyết định số 961/ ngày 4/8/2023 phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư, trong đó, tổng mức đầu tư được tính toán là gần 29.587 tỷ đồng, giảm hơn 486 tỷ đồng so với Quyết định số 791.
“Tổng mức đầu tư cập nhật đến thời điểm hiện nay là không thay đổi so với Quyết định số 961 của Bộ GTVT với cơ cấu nguồn vốn đề nghị điều chỉnh, gồm: Vốn vay ADB hơn 7.085 tỷ đồng (giảm hơn 980 tỷ đồng); Vốn vay JICA hơn 9.226 tỷ đồng (giảm hơn 875 tỷ đồng); Vốn đối ứng hơn 3.872 tỷ đồng (không thay đổi); Vốn VEC tự thu xếp hơn 9.400 tỷ đồng (tăng hơn 1.855 tỷ đồng).
“Việc bổ sung nguồn vốn VEC thu xếp có phần tăng khoảng 750 tỷ đồng để thực hiện đầu tư gói thầu J3-1 do không sử dụng vốn vay ODA của JICA; Tăng khoảng hơn 684 tỷ đồng để hoàn thành các hạng mục còn lại của các gói thầu đoạn phía Đông (A5, A6-1, A6-2, A6-3, A6-4, A6-5 và A7), thay cho nguồn vốn ADB do giá trị giải ngân đến thời điểm đóng (ngày 31/12/2023) thấp hơn giá trị đã được phê duyệt trước đây.
Phần vốn VEC tự thu xếp tăng khoảng 740 tỷ đồng chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng do cập nhật lãi suất trả nợ vay vốn ADB thực tế hiện nay tăng cao và do điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án.
Riêng giá trị xây lắp, tư vấn khác, giải phóng mặt bằng và một số hạng mục dự kiến sử dụng vốn VEC tự thu xếp giảm hơn 319 tỷ đồng sau khi cập nhật lại”, tờ trình nêu.
Đánh giá về khả năng cân đối của VEC, Bộ GTVT cho biết, lũy kế dòng tiền sau thuế hòa chung 5 dự án tại các năm luôn dương, năm 2026 dòng tiền lũy kế dương thấp nhất là khoảng 226 tỷ đồng.
Sau khi cân đối trả nợ các khoản vay theo đúng kỳ hạn cam kết (bao gồm nghĩa vụ trả nợ quốc gia và nghĩa vụ trả nợ đối với dự án), VEC đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện các hạng mục còn lại của dự án bằng nguồn vốn hợp pháp của VEC.
Bộ GTVT cũng đã thực hiện rà soát và đánh giá phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án của VEC là phù hợp tại thời điểm hiện nay.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-lui-thoi-gian-hoan-thanh-cao-toc-ben-luc-long-thanh-den-thang-9-2026-192241220184240822.htm