Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép lái xe; cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.
Theo quy định hiện nay, giấy phép lái xe (GPLX) hạng B1, B2 được cấp cho người không hành nghề và hành nghề lái xe chở người đến 9 chỗ tính cả chỗ ngồi cho tài xế; ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500kg.
Tuy nhiên, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định hạng B1 chỉ được phép điều khiển các loại mô tô ba bánh và xe thuộc hạng A1 (bao gồm xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh đến 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11kW).
Ngoài ra, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng không còn quy định GPLX B2, thay vào đó bổ sung hạng B. Hạng B cấp cho người lái ô tô chở người đến 8 chỗ, không kể chỗ của người lái xe. Hạng C cũng được chia thành hạng C1 và C, cấp cho người lái ô tô tải và ô tô chuyên dùng.
Theo đó, người lái xe đang sở hữu hạng B1, B2 vẫn sử dụng điều khiển phương tiện bình thường. Trường hợp muốn cấp, đổi sẽ được cơ quan chức năng chuyển sang hạng tương đương là hạng B hoặc hạng C1.
Đồng thời, từ ngày 1/1/2025, người học lái ô tô sẽ được cấp các bằng hạng B, C1 thay vì B1, B2 như trước đây.
Trước thực tế này, Bộ GTVT xây dựng dự thảo Thông tư để điều chỉnh về đào tạo, sát hạch lái xe cho phù hợp với Luật Trật tự, an toàn giao thông.
Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định kiểm tra cấp bằng lái đối với hai hạng mới là B và C1. Theo đó, người học muốn được cấp bằng lái 2 hạng này thì phải trải qua phần thi lý thuyết và thực hành.
Linh hoạt hình thức học phần lý thuyết
Đối với hình thức học, Bộ GTVT đề xuất người có nhu cầu cấp GPLX 2 bánh các hạng A1, A và B1 được tự học các môn lý thuyết, nhưng phải đăng ký tại cơ sở được phép đào tạo để được ôn luyện, kiểm tra.
Người có nhu cầu cấp giấy phép lái ô tô các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE được lựa chọn học lý thuyết một trong các hình thức sau: tập trung tại cơ sở đào tạo; tập trung tại cơ sở đào tạo kết hợp đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.
Tuy nhiên, với các môn học thực hành, dự thảo Thông tư quy định phải học tập trung tại cơ sở đào tạo.
Việc kiểm tra các môn lý thuyết và thực hành lái xe đều phải tổ chức tại cơ sở đào tạo để được xét cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, các quy định trên nhằm phù hợp với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua. Đồng thời, những điều chỉnh này cũng đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, học viên được lựa chọn hình thức học lý thuyết online là chủ trương hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay.
Khi công nghệ phát triển thì việc học lý thuyết qua mạng Internet là phù hợp với nhu cầu của người học. Hình thức học này giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc của học viên. Theo đó, các đơn vị chỉ cần xây dựng clip chuẩn, học viên chủ động thời gian học. Khi học viên đáp ứng đủ điều kiện thì được phép dự thi.
Được biết, học viên sau khi đăng ký học lái xe sẽ đăng ký với trung tâm đào tạo hình thức học (trực tiếp hoặc online) cho phần lý thuyết. Học viên phải học đủ thời gian, nội dung, chương trình đào tạo mới được kiểm tra hết môn, xét cấp chứng chỉ.
Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung điều kiện nâng hạng GPLX theo hướng người học phải có đủ thời gian lái xe an toàn như sau:
Các hạng: B lên C1, B lên C, B lên D1, B lên BE, C1 lên C, C1 lên D1, C1 lên D2, C1 lên C1E, D1 lên D2, D1 lên D, D1 lên D1E, D2 lên D, D2 lên D2E, D lên DE cần thời gian lái xe an toàn từ 2 năm trở lên.
Các hạng: B lên D2, C lên D cần thời gian lái xe an toàn từ 3 năm trở lên.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/de-xuat-loat-quy-dinh-moi-ve-dao-tao-sat-hach-nang-hang-bang-lai-o-to-2323949.html