Đề xuất làm rõ nhiều nội dung điều chỉnh Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh
UBND tỉnh Cao Bằng được đề nghị rà soát, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh điều chỉnh trước khi trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.
Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh. |
Hội đồng thẩm định liên ngành vừa có Báo cáo số 5707/BC – HĐTĐLN kết quả thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo phương thứ PPP.
Theo đó, Hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án điều chỉnh theo ý kiến của Hội đồng thẩm định liên ngành bảo đảm đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.
Được biết, một trong những nội dung đáng chú ý nhất trong Báo cáo số 5707 là việc Hội đồng thẩm định liên ngành cho rằng, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật PPP.
Trước đó, tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, Quốc hội đã cho phép Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh có tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong tổng mức đầu tư dự án không quá 70%.
Tại Tờ trình số 3448/TTr-UBND ngày 13/12/2023 của UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, căn cứ Nghị quyết số 106 và trên cơ sở tính toán phương án tài chính cũng như bảo đảm tiết kiệm tối đa vốn ngân sách Nhà nước và đề xuất vốn ngân sách Nhà nước tham gia Dự án khoảng 9.800 tỷ đồng (chiếm 68,76% tổng mức đầu tư Dự án).
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định liên ngành, Tờ trình số 1106/TTr- UBND ngày 13/5/2024 của UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định theo khoản 1 Điều 18 Luật PPP, Dự án cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, theo Hội đồng thẩm định liên ngành, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án điều chỉnh sau giải trình kèm theo Tờ trình số 1106/TTr-UBND của UBND tỉnh Cao Bằng chưa giải trình rõ về cam kết việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án khi phần vốn ngân sách Nhà nước tham gia cao hơn có ảnh hưởng đến việc lựa chọn lại Nhà đầu tư hay không? “UBND tỉnh Cao Bằng cần làm rõ Sự phù hợp các nội dung đàm phán, hợp đồng giữa các Bên bảo đảm hiệu quả, minh bạch tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực; các yếu tố liên quan đến việc Nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc huy động vốn vay thực hiện Dự án sau khi đã trúng thầu”, Hội đồng thẩm định liên ngành khuyến nghị.
Bên cạnh đó, do UBND tỉnh Cao Bằng đã có Quyết định số 1629/QĐ-UBND ngày 27/11/2023 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư nhưng nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc huy động vốn sau khi trúng thầu, vì vậy Hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng rà soát, đánh giá kỹ năng lực của nhà đầu tư trong việc triển khai dự án và khả năng huy động các nguồn vốn thực hiện dự án.
Theo Hội đồng thẩm định liên ngành, Dự án được đề xuất điều chỉnh tăng phần vốn Nhà nước tham gia, giảm phần vốn vay của Nhà đầu tư trong khi mức lãi suất vay vốn bình quân trên thị trường có xu hướng giảm so với thời điểm UBND tỉnh Cao Bằng phê duyệt Dự án tại Quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 15/9/2023. Đồng thời, UBND tỉnh Cao Bằng tham khảo một số dự án BOT chưa tương đồng về quy mô và thời điểm đầu tư làm đại diện để xác định lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Dự án là chưa phù hợp.
Vì vậy, Hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng rà soát các căn cứ tính toán, tham khảo các dự án BOT có tính tương đồng về quy mô, thời điểm đầu tư, mức lãi suất vay vốn hợp lý trên thị trường theo quy định để xác định các chỉ tiêu lợi nhuận của nhà đầu tư và mức lãi suất vay vốn cho phù hợp.
Một nội dung kiến nghị đáng lưu ý khác là tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia Dự án là rất lớn so với các dự án PPP khác để hỗ trợ tăng tính khả thi của Dự án. Hội đồng thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng rà soát, đánh giá sự cần thiết đề xuất áp dụng cơ chế chia sẻ giảm doanh thu để giảm bớt áp lực chia sẻ rủi ro của nguồn ngân sách nhà nuớc đối với Dự án.
Trước đó, UBND tỉnh Cao Bằng đã có các tờ trình số 3448/TTr – UBND, 1106/TTr –UBND xin điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh với 4 nội dung điều chỉnh.
Một là, điều chỉnh nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia Dự án là 9.800 tỷ đồng, chiếm 69,38% tổng mức đầu tư, (tăng 3.220 tỷ đồng từ nguồn ngân sách ); vốn BOT 4.325 tỷ đồng chiếm 30,62%, (giảm 2.269 tỷ đồng) so với Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 16/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.
Hai là, điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 là 14.125 tỷ đồng tăng 951 tỷ đồng (khoảng 7,2%) so với Quyết định số 20/QĐ-TTg, nhưng giảm 207 tỷ đồng so với Quyết định số 1199/QĐ- UBND ngày 15/9/2023 của UBND tỉnh Cao Bằng.
Ba là, điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án, cụ thể giai đoạn 1 Dự án là từ năm 2020 đến năm 2026, thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn khoảng 22 năm 5 tháng; giai đoạn 2: sau năm 2026
Bốn là, điều chỉnh phương án tài chính Dự án, trong đó điều chỉnh giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ từ 2.100 đồng/xe/km thành 2.000 đồng/xe/km (thời gian thu phí hoàn vốn là 22 năm 5 tháng), giảm 7 tháng so với Quyết định số 20/QĐ-TTg, giảm 2 năm 10 tháng so với Quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 15/9/2023.
Nguồn: https://baodautu.vn/de-xuat-lam-ro-nhieu-noi-dung-dieu-chinh-du-an-cao-toc-dong-dang–tra-linh-d220657.html