Tại buổi tiếp, phía Việt Nam đề xuất đàm phán, ký kết Hiệp định khung với WB nhằm hài hoà hoá thủ tục giữa Việt Nam và WB, nhất là chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng và cơ chế giải quyết khiếu nại.
Theo Bộ KH&ĐT, sự khác biệt trong chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng và cơ chế giải quyết khiếu nại giữa hai bên đang là những rào cản lớn nhất khiến các địa phương của Việt Nam khó phê duyệt dự án đầu tư.
Phản hồi về đề xuất của Việt Nam, bà Carolyn Turk khẳng định WB sẵn sàng làm việc, phối hợp với phía Việt Nam để thảo luận kỹ hơn về đề xuất này.
Bà Carolyn Turk, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam để tiếp quản chức Giám đốc Quốc gia WB tại Indonesia và Timor Leste vào đầu tháng 4 tới, khẳng định Chủ tịch WB Ajay Banga “rất coi trọng” quan hệ với Việt Nam và xem Việt Nam là “đối tác hết sức quan trọng” của WB.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao WB trong việc huy động nguồn lực tài trợ cho các dự án tại Việt Nam trong thời gian qua; đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai, hoàn thành các dự án sử dụng vốn vay của WB.
Cũng tại cuộc gặp, hai bên đã rà soát việc triển khai các dự án của WB tại Việt Nam trong thời gian qua, nhất là từ sau khi thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương làm Tổ trưởng ngày 29/02/2024, cũng như công tác chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch WB Ajay Banga dự kiến trong tuần tới.
Kể từ năm 1993 đến nay, WB đã dành cho Việt Nam nguồn vốn ưu đãi khoảng 25 tỷ USD cùng với hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam./.