Thảo luận tại hội trường về việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) chiều 20/11, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) thống nhất với đề xuất của Chính phủ, bởi dự báo thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn do biến động địa chính trị và nguy cơ chi phối kinh tế.
Từ đó, tăng trưởng kinh tế năm 2024 phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng trong nước, trong khi đó thuế giá trị gia tăng tác động trực tiếp đến giảm giá bán sản phẩm hàng hóa dịch vụ và tăng tăng nhu cầu tiêu dùng.
“Dự báo thời gian tới kinh tế còn khó khăn kéo dài, cần có trợ lực thực chất, nên cân nhắc kéo dài giảm VAT cho cả năm 2024, thay vì chỉ giảm 6 tháng đầu năm 2024”, ông Thanh phân tích.
Đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc áp dụng chung một mức thuế giảm giá trị gia tăng cho tất cả các hàng hóa dịch vụ có mối quan hệ khắng khít với nhau. Việc phân biệt đối tượng giảm giá trị gia tăng làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế, tạo ra sức bất bình đẳng trong thị trường.
Ông cũng đề nghị Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho cả năm 2024 – đây là giải pháp khả thi và hiệu quả trong chính sách hỗ trợ áp dụng trong vài năm gần đây.
Đối với các doanh nghiệp có ký hợp đồng với đơn vị Nhà nước, việc giảm thuế VAT từ 10% còn 8% khiến doanh nghiệp giảm doanh thu. Đại biểu đề nghị các cơ quan cần có hướng dẫn để doanh nghiệp không thiệt thòi.
Góp ý, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cũng cho rằng cần có đánh giá kỹ tác động của việc giảm thuế VAT để có chính sách dài hạn. Ý nghĩa giảm thuế VAT trực tiếp tác động tới người dân, giúp kích cầu tiêu dùng, trong khi doanh nghiệp cũng được tác động gián tiếp. Người dân hưởng lợi trực tiếp từ việc giảm thuế VAT, nhưng cũng có thể bị hại gián tiếp khi thu ngân sách không được đảm bảo, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
Đại biểu Huân cho rằng cần đánh giá xem giảm thuế VAT thì GDP tăng hay giảm. Nếu giảm thuế trong 6 tháng đầu năm thì phải tới 6 tháng cuối năm mới thể hiện rõ tác động. Vì vậy, cơ quan chuyên môn cần đánh giá kỹ. Nếu có hiệu quả, thực hiện giảm thuế VAT nên có chính sách dài hạn, kéo dài cả năm 2024, thậm chí là giảm thuế VAT liên tục trong 1 năm, 2 năm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đồng tình việc giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2024, nhưng cần làm rõ tác động của việc giảm thuế đối với tăng trưởng kinh tế, cũng như góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Tờ trình cho rằng chính sách giảm 2% thuế VAT vừa qua đã thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên kết quả nêu ra là chưa rõ rệt.
Bà Nga cũng đề nghị cần đánh giá kỹ hơn việc giảm thuế có tác động đến ngân sách các địa phương. Đây có phải là nguyên nhân khiến một số chỉ tiêu kinh tế của năm 2023 không hoàn thành hay không?
Giải trình ý kiến đại biểu về đề xuất tại sao giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số đối tượng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đề xuất này nhằm giảm áp lực ngân sách Nhà nước.
“Việc giảm thuế VAT chỉ là một trong nhiều biện pháp và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, không có tác dụng trong dài hạn, do vậy vẫn cần triển khai các giải pháp lâu dài nhằm tăng trưởng GDP”, ông Phớc nói.
Ông Phớc nhấn mạnh, việc đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng chỉ áp dụng trong ngắn hạn, bởi thuế tác động đến việc nâng cao năng lực tài chính công, muốn vậy phải tăng thuế suất. Do vậy, trong ngắn hạn giảm thuế để tạo điều kiện doanh nghiệp vượt qua khó khăn, sau đó sẽ tăng thuế suất – đây là xu thế tất yếu, song song với đó sẽ áp dụng các biện pháp kích cầu khác để thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Về ý kiến của một số đại biểu đặt vấn đề vì sao chỉ áp dụng giảm thuế VAT 2% trong 6 tháng, có thể kéo dài giảm thuế dài hơn, theo Bộ trưởng, ngoài chính sách giảm thuế VAT còn có các chính sách hỗ trợ dài hạn như về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân thì sang năm 2025 sẽ bắt đầu sửa…
Vì vậy, trước mắt trình giảm thuế VAT 2% trong ngắn hạn 6 tháng, vừa giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn vừa không tác động nặng lên ngân sách. Căn cứ tình hình thực hiện trong thực tế sẽ tiếp tục có báo cáo xin ý kiến Quốc hội.