Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh mức lương cơ sở tăng đã tác động đến mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) của các trường hợp tham gia BHYT nói chung, trong đó có nhóm học sinh, sinh viên. Việc chưa linh hoạt trong lựa chọn hình thức tham gia BHYT hiện nay dẫn đến mức đóng của nhóm đối tượng này cao hơn so với mức đóng nếu tham gia với tư cách là thành viên hộ gia đình.
Đắn đo khi đóng bảo hiểm y tế cho con
Vợ chồng chị Vũ Thị Hoa (ở xã Thành Long, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) có 3 người con, trong đó con lớn đang học đại học, con thứ hai đang học cấp 2 và con út học tiểu học. Ruộng ít nên thu nhập chính của gia đình chị đến từ việc đi làm thuê mỗi ngày của cả hai vợ chồng. Đầu năm học mới là thời điểm hai vợ chồng chị lo lắng nhất.
“Vợ chồng tôi đi làm thuê, không dám nghỉ ngày nào vì phải lo tiền học phí cho 3 đứa con đều đang ăn học. Năm học 2024-2025, chỉ riêng tiền đóng BHYT cho các con đã mất hơn 2,6 triệu đồng.
Trong khi đó, nếu các con được đóng BHYT theo gói gia đình thì sẽ giảm hơn 700 nghìn đồng. Con đầu của tôi đang học đại học ở thành phố, con bảo không đóng BHYT cho con nữa mà để dành, đóng cho 2 em thôi. Thương con, nhưng chúng tôi cũng không biết làm sao vì năm nay thật sự rất khó khăn”, chị Hoa tâm sự.
Gia đình chị Lê Thị Gấm (ở xã Thanh Thọ, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) cũng khá vất vả để lo tiền đóng học đầu năm cho 2 cô con gái đang học lớp 1. “Trước đây, khi 2 con dưới 6 tuổi, các cháu thuộc diện được nhà nước hỗ trợ. Năm nay thì 2 con hết tuổi được hỗ trợ rồi.
Tôi đã phải đóng BHYT hơn 1,7 triệu cho 2 đứa. Nhà tôi có 6 người, gồm bố mẹ chồng, 2 vợ chồng tôi và 2 con. Nếu các con cũng đóng cùng gia đình thì chỉ mất chưa đến 1 triệu cho cả 2 đứa. Vụ này tôi chỉ thu được hơn 1 tấn lúa, bán hơn 2 tạ mới đủ tiền cho khoản BHYT của các con”, chị Gấm cho biết.
Thực tế, việc tham gia BHYT hộ gia đình với những gia đình đông người thì người sau sẽ được mua với giá thấp hơn so với người trước. Tuy nhiên, thành viên gia đình là học sinh, sinh viên không được mua BHYT theo hình thức này.
Mức đóng của nhóm học sinh, sinh viên sau khi được nhà nước hỗ trợ 30% sẽ bằng mức đóng của thành viên thứ 2 trong hộ gia đình nhưng lại cao hơn mức đóng của thành viên thứ 3 trở đi. Đối với gia đình có mức thu nhập trung bình như gia đình chị Hoa, chị Gấm thì khoản chênh lệch này cũng là đáng kể đối với họ.
Năm học 2023-2024, toàn huyện Thạch Thành có 28.713 học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đạt 99,3%. Theo ông Vũ Đức Vĩnh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch Thành, năm học 2024-2025, mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên tăng so với năm học trước do tăng lương cơ sở, ảnh hưởng đến khả năng tham gia của nhiều học sinh trên địa bàn.
Do vậy, trong khi chờ nhà nước điều chỉnh chính sách linh hoạt hơn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai BHYT học sinh đối với tất cả các cấp học, trường học trên địa bàn.
“Các nhà trường phối hợp tốt với các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật, giải quyết kịp thời, đầy đủ các quyền lợi BHYT cho học sinh khi đi khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, nhà trường cũng vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trao tặng thẻ BHYT cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi cũng cố gắng hỗ trợ, làm sao để không em học sinh nào vì hoàn cảnh mà không thể tham gia BHYT”, ông Vĩnh cho hay.
Đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng từ 30% lên 50%
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, tính đến tháng 8/2024, cả nước có hơn 20 triệu học sinh, sinh viên từ cấp tiểu học trở lên. Từ ngày 1/7/2024, mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) của nhóm này tăng từ 680.400 đồng lên 884.520 đồng. Đây là mức đóng sau khi đã được nhà nước hỗ trợ 30%.
Trả lời ý kiến của cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị cho phép người dân được lựa chọn hình thức đóng phù hợp nhằm giảm bớt chi phí, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, chưa thể điều chỉnh cho học sinh được tham gia BHYT hộ gia đình.
Luật Bảo hiểm y tế quy định, trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự.
“Theo quy định này, nội dung kiến nghị của cử tri về việc điều chỉnh cho nhóm đối tượng học sinh được tham gia BHYT hộ gia đình, hiện nay là chưa thể thực hiện được vì học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng (theo thứ tự đối tượng đầu tiên được xác định)”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đã ghi nhận đề nghị của một số địa phương về việc nên tăng mức hỗ trợ đóng từ 30% lên 50% cho nhóm học sinh, sinh viên, vì đây là nhóm phụ thuộc.
“Hiện nay, nhiều địa phương đã chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ mức đóng lên đến 50% hoặc hơn. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ đã có đề xuất ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo.
Nếu Luật sửa đổi được thông qua, học sinh dân tộc thiểu số thuộc hộ cận nghèo sẽ được hưởng mức hỗ trợ toàn bộ chi phí BHYT. Bộ cũng đang đề xuất cho học sinh, sinh viên có thể lựa chọn tham gia BHYT tại trường, hoặc theo hộ gia đình để được giảm trừ với mức phí thấp hơn đóng tại trường”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/de-xuat-hoc-sinh-sinh-vien-duoc-lua-chon-hinh-thuc-dong-bao-hiem-y-te-phu-hop-20241021164558295.htm