Đề xuất hạn chế nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Bản chất TPDN là sản phẩm tài chính mang tính chất trung và dài hạn, có độ rủi ro cao do kỳ hạn trái phiếu tương đối dài, trong khi đó hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có thể có gặp các yếu tố không thuận lợi, khó có thể dự đoán được trong tương lai.
Do đó, nhà đầu tư (NĐT) sẽ phải đối mặt với các rủi ro liên quan đến khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu trong tương lai.
Chính vì thế, theo thông lệ chung tại các nước, chỉ có số lượng nhỏ “nhà đầu tư đáp ứng điều kiện” hay “nhà đầu tư chuyên nghiệp” mới được tham gia mua TPDN phát hành riêng lẻ. Những nhà đầu tư này có năng lực đánh giá, phân tích tình hình doanh nghiệp và chấp nhận rủi ro đối với các khoản đầu tư.
Bản chất của một đợt phát hành riêng lẻ là bán cho một số đối tượng NĐT xác định, trong phạm vi giới hạn (không mang tính chất rộng rãi ra công chúng) và thường là những NĐT có hiểu biết sâu về tình hình doanh nghiệp phát hành cũng như có bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ để thu thập thông tin, phân tích, đánh giá một cách chuyên nghiệp.
Về thực tiễn, mặc dù cơ quan quản lý đã thường xuyên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật nhưng thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc vi phạm quy định về phát hành TPDN riêng lẻ, chẳng hạn như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, số lượng NĐT cá nhân mua, nắm giữ trái phiếu tương đối lớn, trong khi đây là đối tượng NĐT chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư, chưa đánh giá được mức độ rủi ro của trái phiếu.
Trước thực trạng thị trường TPDN tăng trưởng nhanh, Đảng, Chính phủ chủ trương phát triển thị trường TPDN riêng lẻ an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi quy định về chào bán TPDN riêng lẻ tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, việc rà soát, sửa đổi quy định về đối tượng mua TPDN riêng lẻ tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp là cần thiết và có cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn.
Bổ sung quy định tác động thế nào đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư?
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi, bổ sung quy định này có một số tác động đến doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư.
Về phía doanh nghiệp phát hành, phương án này đảm bảo khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế, kể cả doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu, năng lực tài chính hạn chế vẫn có thể phát hành TPDN riêng lẻ, cho NĐT chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức để huy động vốn.
NĐT tổ chức thường là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp có năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư và dám chấp nhận rủi ro, NĐT tổ chức sẽ phân tích, lựa chọn loại TPDN riêng lẻ phù hợp với định hướng đầu tư.
Đối với các doanh nghiệp có tình hình kinh doanh và tình hình tài chính tốt, bên cạnh kênh phát hành TPDN riêng lẻ NĐT chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức có thể lựa chọn phát hành TPDN ra công chúng để tiếp cận đối tượng NĐT rộng hơn (gồm cả NĐT chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân).
Về phía NĐT, quy định này vừa hạn chế rủi ro trên thị trường TPDN riêng lẻ vừa định hướng NĐT chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân chuyển sang mua, giao dịch các sản phẩm đầu tư công khai, minh bạch, ít rủi ro.
NĐT chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân thay vì mua TPDN riêng lẻ có thể mua TPDN chào bán ra công chúng hoặc mua chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư chứng khoán của các tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trên thị trường (danh mục đầu tư của các quỹ đầu tư chứng khoán bao gồm sản phẩm TPDN riêng lẻ).
Nếu đặt vấn đề theo hướng nâng điều kiện phát hành trái phiếu (yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải có lãi) sẽ hạn chế khả năng huy động vốn của doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu và doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, do các doanh nghiệp này sẽ không thể đáp ứng được điều kiện phát hành để huy động vốn.
Vì vậy, để tránh việc “đứt gẫy” thị trường và phù hợp với năng lực quản lý, Bộ Tài chính lựa chọn giải pháp giới hạn NĐT mua TPDN riêng lẻ là đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức là phù hợp.
Ngoài ra, việc quy định chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ là cần thiết, đặc biệt khi không nâng các tiêu chí đối với các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp so với Luật Chứng khoán hiện hành (Bộ Tài chính đã tiếp thu theo ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, các cơ quan báo chí…).
Đồng thời, quy định này cũng phù hợp với các kiến nghị của các cơ quan có liên quan và định hướng phát triển thị trường chứng khoán tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, dự thảo Luật đã đưa ra quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ là tổ chức, tuy nhiên, có bổ sung ngoại trừ đối với TPDN riêng lẻ do tổ chức tín dụng phát hành.
Nguồn: https://www.congluan.vn/de-xuat-han-che-nha-dau-tu-rot-von-vao-trai-phieu-doanh-nghiep-rieng-le-post315071.html