Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, sáng 24/4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, trong tổng số 140 dự án BOT giao thông được triển khai trước thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) ban hành, hiện 8 dự án thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT có trạm thu phí còn vướng mắc cần xử lý.
Các dự án này được chia thành 3 nhóm. Nhóm một gồm hai dự án có doanh thu sụt giảm không có khả năng phục hồi (cầu Thái Hà và cầu Ba Vì-Việt Trì). Nhóm hai là dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả thu phí hoàn vốn qua Trạm thu phí La Sơn-Tuý Loan.
Nhóm ba là hai dự án đã hoàn thành không được thu phí (tuyến tránh TP Thanh Hoá và cầu Bình Lợi); hai dự án chỉ được thu phí 1 trong 2 trạm nên doanh thu sụt giảm, đã áp dụng giải pháp bổ sung vốn Nhà nước, nhưng vẫn không khả thi (quốc lộ 91 đoạn qua TP Cần Thơ và tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 đoạn Km75-Km100); một dự án sụt giảm doanh thu và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự (quốc lộ 14 qua Đắk Lắk).
Tùy dự án cụ thể, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn Nhà nước tham gia hỗ trợ dự án để tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Bên cạnh đó, một số dự án BOT thuộc phạm vi quản lý của địa phương có trạm thu phí tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự nên chưa thu phí, bị ảnh hưởng doanh thu khi nhu cầu vận tải không như kỳ vọng do ảnh hưởng từ khó khăn kinh tế-xã hội, hoặc có thêm các tuyến giao thông song hành.
“Bộ đã trực tiếp trao đổi với các bên liên quan (nhà đầu tư, doanh nghiệp, ngân hàng…) để có giải pháp giải quyết theo hướng cùng nhau khắc phục tồn tại, bất cập, giảm tối đa thiệt hại và theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành đã thảo luận, phân tích nguyên nhân những bất cập, khó khăn của các dự án BOT do sự thay đổi trong áp dụng các quy định pháp luật và tình hình thực tiễn; nguyên tắc cơ sở pháp lý và quy định pháp luật liên quan để xử lý các dự án cũng như trách nhiệm các bên theo hợp đồng ký kết.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Chung cho rằng, cần đánh giá đầy đủ, toàn diện về “bức tranh” BOT trên cả nước, nhất là nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất có “gói” giải pháp xử lý tổng thể, dứt điểm.
Đồng tình với ý kiến này, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, nếu không tháo gỡ dứt điểm các khó khăn của các dự án BOT giao thông thì sẽ rất khó thu hút nguồn lực xã hội hoá để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nói riêng, kinh tế-xã hội nói chung theo hình thức PPP.
“Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo đối với các ngân hàng thương mại nhằm triển khai các giải pháp chia sẻ với nhà đầu tư dự án BOT về lãi suất, cơ cấu lại nợ vay…”, ông Đào Minh Tú nói.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy đề nghị xây dựng đề án và khung cơ chế xử lý tổng thể các dự BOT triển khai trước thời điểm Luật PPP được ban hành đang gặp khó khăn, vướng mắc.