Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 442 kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn về giải quyết vướng mắc phát triển điện gió ngoài khơi. Trong đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương báo cáo về các thủ tục cần thiết để giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện khảo sát điện gió ngoài khơi.
Theo Quy hoạch điện 8, công suất điện gió ngoài khơi đến 2030 khoảng 6.000 MW (Bắc bộ 2.500 MW, Trung Trung bộ 500 MW, Nam Trung bộ 2.000 MW và Nam bộ 1.000 MW). Thế nhưng, đến nay chưa có dự án nào được quyết định chủ trương và giao đầu tư.
Tại thông báo của Văn phòng Chính phủ ngày 1.10, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhìn nhận: “Từ nay đến 2030 không còn nhiều, việc sớm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi rất cần thiết để bảo đảm thực hiện quy hoạch”.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để có báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ các nội dung, thủ tục cần thiết để xem xét việc PVN thực hiện việc khảo sát điện gió ngoài khơi tại dự án cụ thể, báo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5.10 tới.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp ý kiến về các vướng mắc, vấn đề cần sửa đổi, bổ sung luật Điện lực và các quy định pháp luật khác có liên quan để hoàn thiện dự án luật Điện lực (sửa đổi) hoặc gửi Bộ KH-ĐT tổng hợp, đề xuất trong dự án một luật sửa nhiều luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội 15, tháng 10.2024; củng cố hành lang pháp lý triển khai thực hiện các dự án về năng lượng, trong đó có dự án điện gió ngoài khơi.
Trước đó, vào tháng 7, Bộ Công thương có báo cáo đề xuất 3 phương án chọn nhà đầu tư thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi gồm EVN, PVN hoặc một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, thay vì tư nhân. Với PVN, Bộ này cho rằng một số hạng mục, công trình của loại nguồn điện này tương đồng với các dự án dầu khí ngoài khơi, nên PVN có lợi thế về nguồn lực triển khai dự án thí điểm.
Theo Văn phòng Chính phủ, điện là yếu tố đầu vào nền tảng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Đầu tư phát triển ngành điện là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Yêu cầu tăng trưởng nguồn điện phải ở mức 10 – 12% mỗi năm. Do đó, chúng ta cần phải tập trung đầu tư các dự án nguồn điện từ sớm, từ xa để bảo đảm cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển trong tương lai, nhất là các nguồn điện nền, điện năng lượng tái tạo, điện sạch như điện gió ngoài khơi, điện khí để hướng tới mục tiêu Net Zezo vào năm 2050.
Trên thế giới, nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi cũng do các tập đoàn dầu khí lớn thực hiện. Chẳng hạn, Tập đoàn Shell, Repsol, Total, BP, Equinor hay Chevron.