Chiều 22/10, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự án Luật Dữ liệu.

Cần thành lập quỹ phát triển dữ liệu quốc gia

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự luật, theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, là quy định về quỹ phát triển dữ liệu quốc gia.

Theo đó, điều 29 quy định rõ, quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở Trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu quốc gia.

LuongTamQuang01.jpg
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang. Ảnh: QH

Quỹ này được ưu tiên chi hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ bán dẫn… trong xử lý dữ liệu.

Quỹ cũng dùng để thúc đẩy việc ứng dụng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; công tác xây dựng, phát triển, ứng dụng, xử lý dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương…

Quỹ không vì mục đích lợi nhuận; không được chi trùng với ngân sách nhà nước… Chính phủ quy định chi tiết các hoạt động ưu tiên chi từ quỹ cũng như việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí quy định về quỹ như tờ trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ các nguồn tài chính hình thành quỹ; quy định rõ những hoạt động được chi từ ngân sách nhà nước, hoạt động được chi từ quỹ, bảo đảm minh bạch.

Có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để xây dựng quỹ; cân nhắc các nội dung chi để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật khác có liên quan.

Nên thí điểm về sàn giao dịch dữ liệu

Một nội dung khác cũng được Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh là quy định về sàn giao dịch dữ liệu.

Điều 53 của dự luật quy định, sàn giao dịch dữ liệu thực hiện chức năng giao dịch, trao đổi, mua bán, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu một cách phù hợp, chính xác và hợp pháp đến các chủ thể yêu cầu dịch vụ.

Trước khi thực hiện giao dịch, sàn phải kiểm tra, đánh giá việc đáp ứng điều kiện tham gia giao dịch, bảo đảm an ninh, an toàn khi sử dụng sản phẩm dữ liệu.

Dự luật cũng nêu rõ, sàn giao dịch dữ liệu do Bộ Công an cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định, là nơi lưu trữ, quản lý, giao dịch, trao đổi, thuê, mua bán và cung cấp các dịch vụ về dữ liệu, có sự giám sát, bảo đảm an toàn và tuân thủ quy định.

LeTanToi 1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: QH

Sản phẩm dữ liệu được giao dịch phải đáp ứng yêu cầu như không tác động đến an ninh, quốc phòng, cơ yếu, không xâm phạm bí mật nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân…

Quy chế hoạt động phải bảo đảm một số nội dung, trong đó có bí mật thông tin, chống hành vi gian lận; quản lý rủi ro, xử lý khiếu nại tranh chấp, bảo vệ dữ liệu cá nhân… 

Dự luật cũng nêu rõ những dữ liệu không được phép giao dịch như: Dữ liệu gây nguy hại đến quân sự, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; dữ liệu không được chủ thể dữ liệu đồng ý; dữ liệu bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến sàn giao dịch dữ liệu và ban hành chính sách hỗ trợ sàn. 

Cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với các quy định về sàn giao dịch dữ liệu trong dự thảo luật. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cho rằng, đây là lĩnh vực mới, đặc thù nên có thể cân nhắc áp dụng thí điểm về sàn giao dịch dữ liệu.

Do đó, trước mắt không cần thiết quy định quá chi tiết trong luật này mà giao Chính phủ tổ chức triển khai thí điểm và có báo cáo Quốc hội.

Dự luật Dữ liệu gồm 7 chương, 67 điều sẽ được các đại biểu thảo luận tại tổ vào ngày 24/10; thảo luận tại hội trường ngày 8/11 và dự kiến biểu quyết thông qua ngày 30/11.

Minh bạch hóa trao đổi dữ liệu xuyên biên giới để chống hoạt động rửa tiền

Minh bạch hóa trao đổi dữ liệu xuyên biên giới để chống hoạt động rửa tiền

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thêm nội hàm trao đổi dữ liệu xuyên biên giới để thúc đẩy dòng chảy dữ liệu, minh bạch hóa, chống hoạt động rửa tiền và hành vi tham nhũng.
Cả nước đã thu nhận hơn 1.500 dữ liệu sinh trắc giọng nói, hơn 260 mẫu ADN

Cả nước đã thu nhận hơn 1.500 dữ liệu sinh trắc giọng nói, hơn 260 mẫu ADN

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, đến nay lực lượng Công an đã cấp hơn 9,58 triệu thẻ Căn cước; cả nước đã thu nhận hơn 1.500 dữ liệu sinh trắc giọng nói và thu nhận hơn 260 mẫu ADN.
Số hóa 13 triệu trang tài liệu từ 1.300 cuộc kiểm toán, tạo dữ liệu lớn

Số hóa 13 triệu trang tài liệu từ 1.300 cuộc kiểm toán, tạo dữ liệu lớn

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng cho biết, từ năm 2017 đến nay, KTNN đã số hóa hồ sơ 1.300 cuộc kiểm toán với hơn 13 triệu trang tài liệu các loại, từng bước hình thành dữ liệu lớn của KTNN.