SGGP
Ngày 25-8, tại hội thảo nâng cao năng lực quản lý bệnh viện và vai trò của giám đốc bệnh viện trong tình hình mới do Sở Y tế Hà Nội tổ chức, đại diện nhiều bệnh viện đã nêu rõ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quyền tự chủ và đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc men.
Đề cập đến Thông tư 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá khám bệnh theo yêu cầu do bệnh viện công cung cấp (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-8), Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh cho rằng, Bộ Y tế có quy định về giá viện phí theo yêu cầu là đúng nhưng việc ban hành khung giá cố định như hiện nay lại chưa hợp lý.
“Đơn cử, ca bệnh “đặt hàng” bác sĩ mổ, chọn giờ mổ vào 3-4 giờ sáng và theo hướng dẫn của Thông tư 13, giá dịch vụ là gần 7 triệu đồng/ca, nhưng sau khi trừ chi phí các loại thì chỉ còn khoảng 500.000 đồng cho cả kíp mổ. Trường hợp này sẽ không có bác sĩ nào nhận mổ với giá như trên vào 3 giờ sáng.
Như vậy, Thông tư 13 đang cố định mức giá viện phí theo yêu cầu trong khi giá cả các mặt hàng như vật tư y tế, thuốc men luôn thay đổi theo thị trường”, ông Nguyễn Duy Ánh dẫn chứng và đề xuất với các bệnh viện công tự chủ, Bộ Y tế nên để các đơn vị tự xây dựng giá dịch vụ y tế bảo đảm theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, có tích lũy để tái đầu tư và phù hợp chi trả của người dân.
Các bệnh viện tự chủ tự xây dựng giá, công khai mức giá viện phí mỗi năm và tự chịu trách nhiệm. Bộ Y tế có trách nhiệm hậu kiểm hàng năm.