Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Cần luật hóa việc đấu giá biển số xe
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) đánh giá cao Bộ Công an đã chủ động đề xuất Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 73 về thí điểm đấu giá biển số ô tô để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Qua theo dõi, ông cho rằng việc triển khai đấu giá trực tuyến trong thời gian qua đã diễn ra thành công và được người dân rất đồng tình, hưởng ứng tham gia.
Vị đại biểu dẫn thông tin từ Bộ Công an cho thấy sau 35 ngày thí điểm đã đưa ra đấu giá thành công hơn 4.600 biển số ô tô, với hơn 600 tỷ đồng được nộp vào ngân sách nhà nước.
“Nếu duy trì tốt chủ trương này sẽ góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm”, ông Nam nói và nhấn mạnh điều quan trọng là bảo đảm công khai, minh bạch.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, tuy nghị quyết thí điểm mới ban hành trong thời gian ngắn nhưng việc đấu giá biển số xe là chính sách “đúng ý Đảng, hợp lòng dân”.
“Đây mới chỉ là đấu giá ô tô con, chủ trương này cần được luật hóa sớm để có thể mở rộng đấu giá cả biển số xe tải, xe khách, xe máy…”, ông Nam đề nghị Quốc hội giao cơ quan soạn thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nghiên cứu bổ sung quy định về đấu giá biển số xe vào luật và có thể triển khai đấu giá với tất cả loại biển số xe trong thời gian tới.
Chung quan điểm, đại biểu Vũ Thanh Chương (Hải Phòng) cũng đề nghị đưa việc đấu giá biển số xe vào luật. Với hơn 600 tỷ đồng thu về ngân sách sau hơn một tháng thí điểm, ông Chương nhấn mạnh đây là nguồn thu không nhỏ.
“Nếu đưa vào luật, sau này có thể đấu giá cả biển số xe máy, cả biển số xe kinh doanh vận tải vì kho số là nguồn tài nguyên vô tận, rất nhiều người có nhu cầu”, ông Chương khẳng định.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho rằng việc đấu giá biển số xe mới triển khai thí điểm, bước đầu chưa chứng minh được tính hiệu quả. Do đó, cần phải cân nhắc việc quy định tại dự thảo luật theo hướng cụ thể như thế nào để đảm bảo khả thi.
Bất cập trong giám sát hành trình của xe kinh doanh vận tải
Về vấn đề giám sát hành trình đối với phương tiện kinh doanh vận tải, đại biểu Nguyễn Tiến Nam cho rằng xe kinh doanh vận tải, nhất là vận tải hành khách, cần được xem là chủ thể đặc biệt trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bởi nếu tai nạn giao thông xảy ra đối với các phương tiện này sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về sinh mạng của người dân.
Theo thống kê của Bộ Công an, tai nạn giao thông liên quan xe kinh doanh vận tải chiếm gần 40% số vụ, trong đó nhiều vụ tai nạn liên quan xe kinh doanh vận tải hành khách gây thương vong lớn.
“Chúng ta không thể thờ ơ vô cảm trước thực trạng hết sức thương tâm này”, theo lời đại biểu.
Nhắc đến một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra là các loại phương tiện này bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình để giám sát các hành vi vi phạm của lái xe, hành vi vi phạm của hành khách và các vi phạm về vận tải đường bộ.
Tuy nhiên, theo ông Nam, dữ liệu giám sát hành trình chưa được sử dụng hiệu quả do có sự chia cắt, không kết nối liên thông dữ liệu với lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Vì vậy, nhiều nhà xe trong thời gian ngắn vi phạm rất nhiều lần, có trường hợp vi phạm tốc độ hơn 300 lần/tháng nhưng không bị xử lý, ngăn chặn kịp thời.
“Nếu có sự giám sát phương tiện kinh doanh vận tải theo thời gian thực thì có thể ngăn chặn được, không để xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến xe khách như vừa qua”, ông Nam nói.
Ủng hộ quy định phương tiện kinh doanh vận tải phải bảo đảm điều kiện có thiết bị giám sát hành trình, ông Nam cho rằng việc giám sát này cần giao cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông thực hiện để kịp thời đình chỉ ngay, xử lý ngay những trường hợp vi phạm.
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 9 chương, 81 điều. Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận dự án luật này vào ngày 24/11 và xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.