Danh hiệu thứ 3 mà tỉnh Quảng Ninh mong muốn đề xuất UNESCO công nhận cho vịnh Hạ Long là về đa dạng sinh học, theo tiêu chí 10.
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 46 của Ủy ban Di sản thế giới đang diễn ra tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ từ 21.7 – 31.7.2024, Đoàn công tác của tỉnh Quảng Ninh do bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – làm trưởng đoàn đã xin ý kiến các chuyên gia, cơ quan tư vấn của UNESCO trong việc xây dựng hồ sơ mở rộng tiêu chí 10 về đa dạng sinh học của vịnh Hạ Long đề xuất UNESCO công nhận.
Theo quy định của UNESCO tại Hướng dẫn thực hiện Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, để trở thành di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, mỗi di sản cần đạt được một trong 10 tiêu chí. Trong đó, tiêu chí 10 là chứa đựng các môi trường sinh sống thiên nhiên quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn tại chỗ đa sạng sinh học, kể cả những nơi chứa đựng các giống loài bị đe doạ có giá trị nổi bật toàn cầu xét dưới góc độ khoa học hoặc bảo tồn.
Theo Phòng Nghiệp vụ Nghiên cứu – Ban Quản lý vịnh Hạ Long, thế giới sinh vật tại vịnh Hạ Long rất đa dạng và phong phú, trung đầy đủ thành phần các loài sinh vật trên cạn, dưới nước, bậc thấp, bậc cao cùng sinh sống trong 10 hệ sinh thái biển và rừng khác nhau. Đến nay đã thống kê được gần 3.000 loài động thực vật sống trong khu vực, trong số đó có 507 loài thực vật trên cạn, 278 loài thực vật phù du, 141 loài động vật phù du, 110 loài san hô, 156 loài cá biển, 71 loài chim, 53 loài thú… Sự đa dạng về thành phần loài trên cạn, dưới nước đã nói lên bức tranh đa dạng sinh học của vịnh Hạ Long, đưa vịnh Hạ Long trở thành khu vực có số lượng loài nhiều nhất đã biết ở Việt Nam.
Ngoài ra, vịnh Hạ Long còn đa dạng về nguồn gen. Rất nhiều loài sinh vật sinh sống tại vịnh Hạ Long mang nguồn gen đặc hữu, quý hiếm, nguồn gen dược liệu hoặc có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, các nhà khoa học đã xác định được 102 loài đang bị đe dọa ở các cấp độ khác nhau (64 loài động vật và 38 loài thực vật).
Một số nhóm sinh vật có số lượng ít nhưng hầu hết đều mang nguồn gen đặc hữu của vịnh Hạ Long, tiêu biểu trong số đó là: cá Niếc hang Hạ Long, cua hang Hạ Long, tôm Alpheoid, rết chân dài… và 17 loài thực vật đặc hữu đã được công bố.
Bên cạnh đó, một số nguồn gen khác lại là kho dược liệu tự nhiên, sơ bộ ước tính khoảng 357 loài cây cỏ và gần 100 động vật có thể làm thuốc được. Một số nguồn gen có giá trị kinh tế cao, là đặc sản để làm thực phẩm, mỹ nghệ xuất khẩu như: Bào ngư, ốc đụn, ốc hương, ốc nhảy, sò, tu hài, tôm he, cua, hải sâm, trai ngọc, cá song…
Nếu được công nhận, vịnh Hạ Long sẽ có danh hiệu danh tiếng thứ 3 của UNESCO cho riêng mình.
Riêng vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Lần thứ nhất là vào ngày 17.12.1994, Kỳ họp thứ 18 tại Phuket, Thái Lan, Ủy ban Di sản thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long vào danh mục Di sản Thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mỹ theo tiêu chí 7 của Công ước Quốc tế về bảo vệ di sản tự nhiên và văn hóa của thế giới.
Lần thứ hai là vào ngày 2.12.2000, tại Kỳ họp toàn thể lần thứ 24 ở thành phố Cairns, Queensland, Australia, Ủy ban Di sản thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ 2 theo tiêu chí 8 về giá trị địa chất – địa mạo.
Đến ngày 16.9.2023, tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới ở Thủ đô Riyadh (Ả-rập Xê-út), vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà, Hải Phòng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới, trở thành Di sản thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam.
Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/de-xuat-danh-hieu-thu-3-cua-unesco-cho-vinh-ha-long-1371434.ldo