Sáng 10/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, hành vi nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
ĐBQH Phạm Như Hiệp (Thừa Thiên Huế) cho rằng nếu quy định như vậy thì tất cả phương tiện xe thô sơ, xích lô, xe kéo cũng có thể vi phạm. Ông đề nghị cần soạn thảo luật khả thi nếu không việc triển khai luật sẽ khá phức tạp.
Thực tế, việc người dân uống rượu từ buổi tối hôm trước mà sáng hôm sau đi làm, trong máu vẫn còn nồng độ cồn. Nếu phạt thì rất băn khoăn. Ông góp ý, nên có hình thức quy định để có ngưỡng nồng độ cồn ở mức nào thì bị phạt.
Tại tổ Hưng Yên, ĐB Nguyễn Đại Thắng cũng chia sẻ việc quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là cần thiết nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Ông đề nghị nghiên cứu mức nồng độ cồn phù hợp với từng loại phương tiện để đảm bảo tính khả thi.
ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, cần tham khảo quy định các nước. Ở Phần Lan, lái xe được khuyến cáo trước khi tham gia giao thông nếu uống một chai bia phải nghỉ trong một tiếng, hai chai phải nghỉ ba tiếng. Sau thời gian đó, lượng chất kích thích chưa đủ để tác động đến thần kinh và họ vẫn đủ điều kiện điều khiển phương tiện.
Từ mặt kinh tế, ông Huân cho rằng quy định quá chặt về việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn sẽ khiến ngành công nghiệp rượu bia bị ảnh hưởng. “Tuy không khuyến khích ngành công nghiệp rượu bia, nhưng đây cũng là nguồn thu nhập cho lao động nhóm phi chính thức. Giờ cấm chặt quá cũng ảnh hưởng rất nhiều”, ông Huân phân tích.
Ông bày tỏ sự chia sẻ với băn khoăn của nhiều người, khi “chúng ta cảnh giác với cồn còn hơn cả ma túy”. Điều này là khiên cưỡng.
ĐB Phạm Đức Ấn (Hà Nội) đề xuất, nghiên cứu một tỷ lệ nhất định để giới hạn nồng độ cồn cho phép trong khí thở và trong máu, không nhất thiết cứ có nồng độ cồn bị xử phạt.
“Luật các nước trên thế giới về cơ bản họ đều có tỷ lệ nhất định nào đó, ta cũng nên nghiên cứu”, ông Ấn dẫn chững thêm.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đề nghị, quy định rõ “có nồng độ cồn” hay “có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép”.
Bà nêu quan điểm: “Cần thiết kế lại quy định theo hướng chúng ta có thể lựa chọn mức nồng độ cồn thấp để quy định không được vượt quá. Nếu không, đôi khi không uống gì, thổi cũng lên nồng độ cồn. Quy định này cần có sự hợp lý, có lộ trình cụ thể để người dân dần hạn chế, tiến tới không sử dụng rượu bia trước khi lái xe”.
Cũng thảo luận về vấn đề này, đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) đồng tình với quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Theo đại biểu, qua khảo sát của 177 nước trên thế giới về quy định phòng chống tác hại rượu bia có 25 nước quy định bằng nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0. Các nước còn lại có những quy định khác nhau về các hành vi bị cấm với tỷ lệ nồng độ cồn trong máu và hơi thở khác nhau.
Theo ông Hùng, qua quá trình thẩm tra dự án luật, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định các hành vi bị cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Về ý kiến thứ nhất, đại biểu này cho rằng, dự án luật quy định như Nghị định 100 là yêu cầu nồng độ cồn bằng 0. Điều này có mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông. Quy định này được đa số ý kiến nhất trí, đồng tình.
Về ý kiến thứ hai, đại biểu Vũ Xuân Hùng nói, nhiều ý kiến cho rằng nên quy định các hành vi bị cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo Luật giao thông đường bộ năm 2008 là quy định theo tỷ lệ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.
Trước đó, khi thẩm tra nội dung này, Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho biết một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, vì cho rằng quy định này quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam.
Nhóm ý kiến này cũng cho rằng quy định trên làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của nhiều địa phương.
Trong khi đó, một số ý kiến khác nhất trí với quy định này, vì cho rằng nội dung này đã được quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.
Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu cho phù hợp; tiếp tục rà soát, sắp xếp các quy định cấm liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ để bảo đảm tính thống nhất, logic, tránh trùng lặp với các quy định khác trong dự thảo Luật hoặc trùng lặp với quy định của các luật chuyên ngành khác.
Đề nghị cân nhắc quy định ‘cấm tuyệt đối nồng độ cồn’ với người lái xe
Trước quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cho biết có một số ý kiến đề nghị cân nhắc vì quá nghiêm khắc, chưa phù hợp với văn hoá, tập quán.