Sáng 24.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo luật Đường bộ. Tham gia góp ý, ĐB Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng gắn với lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn để giảm ùn tắc và góp phần bảo vệ môi trường.
ĐB Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) thì đề nghị cần xem lại chính sách ưu tiên phát triển vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt. Bởi lẽ trong tương lai, không chỉ có xe buýt mà còn các loại hình khác để giảm ùn tắc giao thông. “Nếu ưu tiên phương tiện là xe buýt thì khả năng ùn tắc giao thông ở những đô thị lớn vẫn hiện hữu, khi xe buýt phải đồng hành với ô tô cá nhân và xe máy”, ông Dũng nói và đề xuất chính sách ưu tiên phải phát triển cân đối với tàu trên cao, tàu điện ngầm thì mới hy vọng giảm ùn tắc giao thông đô thị.
ĐB Dũng cũng băn khoăn khi quy định về xe đưa đón học sinh lại đang được áp dụng trong cả 2 luật là luật Đường bộ và luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. “Một xe chở học sinh nhưng lại được quản lý bằng hai luật, vậy khi thực tế áp dụng thì sẽ phiền phức, khó khăn với cả người tổ chức kinh doanh vận tải, nhà trường và cơ quan xử lý, nên đưa quy định về thâm niên người lái xe vận tải học sinh về luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ”, ĐB Dũng nêu.
Bên cạnh đó, tại buổi thảo luận, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định sự cần thiết thu phí trên các tuyến đường cao tốc do nhà nước đầu tư. Việc thu phí sẽ căn cứ trên nguyên tắc sử dụng dịch vụ cao hơn thì trả phí cao hơn và có quyền lựa chọn tuyến song hành. Các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ đã áp dụng việc này. “Hiện nay, thu phí qua đầu phương tiện chỉ mới đáp ứng được 35 – 40% nhu cầu bảo trì. Cho nên, nếu hệ thống đường cao tốc được xây dựng, hoàn thiện, đưa vào vận hành mà chúng ta không thu, sẽ khó khăn khi cần một khoản kinh phí rất khổng lồ trong vấn đề về bảo trì”, ông Thắng nói.