Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam: Tài liệu tham khảo rất có giá trị Nhiều nội dung mới trong Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023 |
Bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương sau lễ công bố Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023.
Thưa bà, Bộ Công Thương vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023, trong đó có những nội dung mới, bà có thể chia sẻ cụ thể về việc này?
Đây là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Công Thương triển khai nội dung này. Với mục tiêu cung cấp bức tranh tổng thể về hoạt động xuất nhập khẩu, do đó, về cấu trúc Báo cáo khá tương đồng so với các năm trước.
Bộ Công Thương công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023 |
Tuy nhiên, Báo cáo Xuất nhập khẩu 2023 có một số nội dung mới. Trong đó, báo cáo không chỉ đưa ra thông tin về thị trường xuất khẩu, kết quả xuất khẩu mà còn có các thông tin về chính sách mới của thị trường nhập khẩu. Đây là những thông tin mà các doanh nghiệp sẽ rất quan tâm, tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu trong năm mới này, các doanh nghiệp có thể nắm bắt để có thể triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó là tình hình thực thi các Hiệp định EVFTA, CPTPP, UKVFTA, RCEP; các quy tắc xuất xứ hàng hóa; công tác triển khai đàm phán, ký kết, nâng cấp các FTA; một số điểm mới trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu… Tương tự như vậy, với các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 cũng rất chú trọng nội dung này.
Trên thực tế, những quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa, FTA,… những năm trước đây, Báo cáo thường đưa ra số liệu về tình hình thực hiện. Tuy nhiên, càng về những báo cáo sau này, Bộ Công Thương ngày càng chú trọng, trau chuốt trong việc đưa ra các thông tin quy định mới và cụ thể hơn. Đây là những thông tin quan trọng, giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt, triển khai và thực hiện xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của mình.
Nhiều ý kiến cho rằng, để tăng “độ nặng” cũng như chất lượng của Báo cáo vừa công bố, cơ quan soạn thảo cần đưa thêm những khuyến nghị tới doanh nghiệp và những kiến nghị lên Chính phủ, bà bình luận gì về việc này?
Trên thực tế, hình thức của Báo cáo đang là bức tranh tổng quan. Tức là chúng ta đang chụp ảnh lại những gì đã xảy ra trong năm qua và đưa ra thông tin về các chính sách mới là chính. Chúng tôi mong muốn đây là một tài liệu tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp.
Tôi xin nhắc lại, đây là bức tranh tổng thể về xuất nhập khẩu trong năm vừa qua, do đó, Báo cáo mới dừng ở mức độ này. Những khuyến nghị, đề xuất sẽ được nằm trong một khuôn khổ khác mà Bộ Công Thương có thể làm để báo cáo Chính phủ.
Tuy nhiên, chúng tôi có thể nghiên cứu đến kiến nghị về việc đưa ra những khuyến nghị cho doanh nghiệp để đưa vào trong Báo cáo.
Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2023 đã được công bố, công tác chuẩn bị cũng như xuất bản Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2024 sẽ được triển khai như thế nào, thưa bà?
Trong quá trình làm Báo cáo chúng tôi cũng đã tiếp nhận những ý kiến từ các hiệp hội, doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Ví dụ như sau khi các hiệp hội doanh nghiệp nhận được báo cáo này họ có phản hồi rằng đây là những thông tin rất hữu ích. Tuy nhiên, một số hiệp hội, doanh nghiệp đặt vấn đề: “Liệu rằng có bản Báo cáo bằng tiếng Anh hay không để họ có thể cung cấp cho các đối tác”. Những ý kiến như thế này, chúng tôi sẽ tiếp thu và sẽ nghiên cứu bản tóm tắt Báo cáo này bằng tiếng Anh.
Mặt khác, một số hiệp hội cũng có ý kiến cho rằng, mặc dù Bộ Công Thương có đội ngũ chuyên gia trong việc xây dựng Báo cáo này, tuy nhiên, nếu việc tham vấn của các hiệp hội trong quá trình xây dựng Báo cáo thì có thể Báo cáo sẽ hoàn thiện hơn,….
Tất cả những ý kiến góp ý từ các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng và các chuyên gia, cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ tiếp thu, điều chỉnh và triển khai trong quá trình xây dựng Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2024 và những năm tiếp theo.
Từ đầu năm đến nay, kết quả tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp như thế nào? Bà có những khuyến nghị gì với các doanh nghiệp để đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm?
Từ đầu năm đến nay, mặc dù tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó, việc này đến chủ yếu từ những biến động khó lường từ thị trường, những xung đột trên thế giới vẫn đang tiếp diễn tác động đến chuỗi cung ứng hàng hóa.
Ngày 16/5, Bộ Công Thương đã công bố ‘Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023’ |
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2024 đạt được những kết quả tích cực. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đạt gần 124 tỷ USD, tăng trưởng 15,7%, chúng ta vẫn duy trì xuất siêu gần 9 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm.
Trong đó, có những điểm tích cực trong bức tranh xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, nhóm mặt hàng nông sản, công nghiệp đều ghi nhận mức tăng trưởng cao; trong 46 mặt hàng chủ lực có 39 mặt hàng tăng trưởng dương. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đánh giá mức độ vượt khó của khối doanh nghiệp trong nước, khi tăng trưởng xuất khẩu khối này cao hơn rất nhiều so với mức độ tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước.
Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu lớn đều có sự phục hồi. Trong đó, phải kể đến thị trường EU, thị trường Hoa Kỳ đều có mức tăng trưởng 2 con số. Bên cạnh đó là các thị trường tiềm năng như châu Phi, UAE đều có mức tăng trưởng rất tốt.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với tiền đề của 4 tháng đầu năm thì chúng tôi tin rằng kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu 6% đặt ra trong năm 2024 sẽ đạt được.
Tuy nhiên, để vượt qua khó khăn cũng như nắm bắt cơ hội, trong thời gian tới, trước hết, các doanh nghiệp xuất khẩu phải sản xuất theo tín hiệu của thị trường. Đồng thời, phải chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, cũng như có các nguồn nguyên liệu trong nước đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ, nâng cao chất lượng sản phẩm để đảm bảo sản phẩm có thể thâm nhập được vào các thị trường mà doanh nghiệp hướng tới.
Bởi trong thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã rất nỗ lực trong việc đa dạng hóa thị trường, rõ ràng, đã có những kết quả nhất định và tiếp tục thực hiện, tuy nhiên, việc mở cửa thị trường chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ đó là hàng hóa của doanh nghiệp phải đảm bảo yêu cầu của thị trường.
Một vấn đề nữa đó là câu chuyện liên quan đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Đây là những vấn đề mà thế giới rất quan tâm. Tất nhiên, việc này cần có lộ trình và đòi hỏi các doanh nghiệp cần làm dần từng bước. Tuy nhiên, đây là xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp cần phải làm. Doanh nghiệp sẽ phải chú trọng về đầu tư từ đó thay đổi về công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu xanh, sản xuất xanh, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu. Khi đó, hàng hóa của chúng ta mới có thể thâm nhập bền vững những thị trường mà chúng ta hướng tới.
Xin cảm ơn bà!
Nguồn: https://congthuong.vn/bao-cao-xuat-nhap-khau-viet-nam-de-xuat-co-ban-bang-tieng-anh-320743.html