Để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên (GV), Bộ GD-ĐT cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện báo cáo để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu GV, còn biên chế được tuyển dụng GV mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại luật Giáo dục 2005.
Sở dĩ có đề xuất này vì theo luật Giáo dục 2019 có sự thay đổi lớn về chuẩn trình độ đào tạo của GV. GV mầm non trước đây yêu cầu chuẩn trình độ đào tạo là trung cấp, nay là CĐ; GV tiểu học từ trung cấp nâng lên ĐH, dẫn đến nhiều địa phương thiếu GV nhưng bế tắc cả nguồn tuyển.
CHO NỢ CHUẨN NHƯNG PHẢI CAM KẾT VỀ THỜI GIAN “TRẢ NỢ”
Đề xuất này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi đang thực sự “tắc” về nguồn tuyển.
Ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mù Cang Chải (Yên Bái), chia sẻ: “Toàn huyện hiện nay chỉ có 1 GV tiếng Anh biên chế cấp tiểu học, năm nào cũng tuyển dụng GV cho môn học này mà không có người ứng tuyển, nhiều lúc khó khăn, bế tắc”.
Do vậy, theo ông Thủy, việc cho phép tuyển dụng GV theo chuẩn cũ sẽ giúp giải quyết một phần tình trạng thiếu GV trầm trọng hiện nay. Ông Thủy cũng chia sẻ thực tế, hiện nay với môn tiếng Anh nếu cho phép tuyển GV trình độ CĐ thay vì ĐH thì nguồn tuyển tại chỗ của H.Mù Cang Chải cũng không có chứ chưa nói ĐH. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì các địa bàn lân cận có nguồn tuyển sinh viên tốt nghiệp CĐ sư phạm tiếng Anh nhưng vì chưa đạt chuẩn đào tạo nên không được tuyển dụng. “Việc tuyển dụng phải kèm theo cam kết các GV này sẽ vừa đi làm vừa học để đào tạo nâng chuẩn, kinh phí sẽ thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ”, ông Thủy nói.
Tương tự, ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mèo Vạc (Hà Giang), cũng cho rằng đó là một giải pháp tốt vì nguồn tuyển sẽ rộng hơn so với hiện nay dù có thể chưa đáp ứng được đủ tất cả. Hiện trên địa bàn huyện có một số em trình độ CĐ nhưng không được tuyển vì không đạt chuẩn đào tạo trong khi toàn huyện thì đang thiếu GV trầm trọng, nhất là ở cấp tiểu học. Ngoài tiếng Anh, tin học thì theo ông Bùi Văn Thư, một số môn đặc thù như âm nhạc, mỹ thuật là những môn cũng khó tuyển, do vậy nên hạ chuẩn cho những môn còn thiếu GV mà không có nguồn tuyển.
Cũng theo ông Thư, nên quy định cụ thể thời gian GV phải đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn theo quy định của luật Giáo dục 2019 chứ không thể “nợ chuẩn” vô thời hạn được.
Phát biểu tại hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024, ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, cũng nêu thực trạng nhiều địa phương trong tỉnh đang thiếu rất nhiều GV, đặc biệt là GV môn tiếng Anh.
Theo ông Duy, tỉnh đã tìm mọi giải pháp nhưng chưa tuyển mới được trường hợp nào. Năm học vừa qua, khi công bố chỉ tiêu tuyển dụng GV thì số đăng ký dự tuyển chỉ đạt hơn 53% so với chỉ tiêu tuyển dụng và cũng chỉ tuyển được hơn 50% số dự tuyển.
Sở GD-ĐT Yên Bái đề xuất Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ trong 3 năm tới cho phép các tỉnh tuyển dụng dưới chuẩn đào tạo GV những môn học còn thiếu, cụ thể là GV có trình độ CĐ, đang thực hiện học ĐH hoặc cam kết học ĐH ngay sau khi được tuyển dụng.
Đây cũng là đề xuất của lãnh đạo nhiều tỉnh miền Trung và Nam bộ. Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, phát biểu vấn đề rất khó khăn hiện nay là không có nguồn để tuyển dụng hoặc ký hợp đồng làm việc do áp dụng quy định điều kiện về trình độ chuẩn của GV các cấp học theo luật Giáo dục năm 2019. Do đó, bà Thanh đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu đề xuất về việc tuyển dụng sinh viên có bằng trung cấp sư phạm mầm non, và CĐ sư phạm tiểu học trong giai đoạn chuyển tiếp này. Sinh viên được tuyển dụng phải có cam kết tự học để nâng trình độ chuẩn đào tạo, quá thời gian cam kết nếu không đạt chuẩn thì đơn vị có thể xem xét chấm dứt hợp đồng.
Ngay tại Hà Nội, một lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng cho rằng đề xuất cho tuyển dụng GV dưới chuẩn với một số môn đặc thù như tiếng Anh và tin học là rất cần thiết vì ngay tại Hà Nội cũng thiếu GV các môn học này. “Thực tế ở Hà Nội không phải không có nguồn tuyển mà cử nhân trình độ ngoại ngữ, tin học ở TP có quá nhiều cơ hội việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn nhiều so với đi dạy ở tiểu học”, vị này nói.
BỘ GD-ĐT ĐỀ XUẤT LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội đề xuất một số chính sách đặc thù để tuyển dụng GV thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Để có căn cứ đề xuất chính sách theo yêu cầu của Nghị quyết số 75/2022/QH15 của Quốc hội, Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP phối hợp, cho ý kiến đối với các nội dung có liên quan. Theo đó, tại công văn này Bộ GD-ĐT cho biết đang dự kiến đề xuất “cho phép các địa phương thiếu GV, còn biên chế nhưng thiếu nguồn tuyển dụng được tuyển dụng sinh viên, GV có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp CĐ và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy các môn học tiếng Anh, tin học, nghệ thuật theo Chương trình GDPT 2018”.
Các GV này sau khi được tuyển dụng phải tham gia lộ trình nâng chuẩn để đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại luật Giáo dục 2019. Quy trình tuyển dụng đối tượng này thực hiện theo quy định của Chính phủ. Các chế độ, chính sách sau khi tuyển dụng được áp dụng các quy định của Chính phủ và Bộ GD-ĐT.
Về phạm vi thực hiện và thời gian áp dụng, Bộ nêu dự kiến việc tuyển dụng đối tượng này được thực hiện đến hết năm 2028 (2 năm trước khi kết thúc lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ để đến năm 2030 bảo đảm trình độ chuẩn đào tạo theo luật Giáo dục năm 2019).
GS-TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng xu thế chung của thế giới là không hạ thấp chuẩn GV. Tuy nhiên, nếu quả thật là cần một giải pháp tình thế để có nguồn tuyển thì cũng không nên sửa luật Giáo dục.
Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, hiện nay cả nước còn thiếu 118.253 GV, tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021 – 2022. Hiện nay tỷ lệ GV đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo luật Giáo dục 2019), cấp mầm non là 91,7%; tiểu học là 74,8%; THCS là 86,1%; trung học phổ thông là 99,9%. Như vậy, bậc tiểu học có tỷ lệ GV chưa đạt chuẩn cao nhất, 25,2%; tiếp đến là THCS 13,9%; THPT chỉ còn 0,1%.
Cần có quy định về xếp lương
Ở góc độ chính sách, một số ý kiến cũng nêu: nếu tuyển GV dưới chuẩn đào tạo thì phải làm rõ việc bổ nhiệm xếp lương sẽ ra sao vì hiện không có quy định.
Hiện GV phổ thông nếu trúng tuyển sẽ xếp ngạch viên chức, được bổ nhiệm, xếp hạng theo trình độ thấp nhất là cử nhân (ĐH). Người có trình độ dưới chuẩn khi trúng tuyển sẽ trở thành viên chức nhưng lại khó được bổ nhiệm, xếp lương theo chùm thông tư của Bộ GD-ĐT. Do đó, nếu tuyển dụng người dưới chuẩn cũng phải sửa đổi các thông tư của Bộ GD-ĐT, quy định cụ thể trường hợp xếp lương cho sinh viên sư phạm được tuyển dụng nhưng chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo luật Giáo dục mới.
Bên cạnh đó, đối với GV đang giảng dạy được miễn phí nâng chuẩn theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP nhưng đối với sinh viên sư phạm chưa đạt chuẩn nếu trúng tuyển GV, chưa có quy định cụ thể việc học nâng chuẩn là do cá nhân tự bỏ kinh phí hay do ngân sách.