Nhu cầu ở trọ là rất cao
Trong cuộc họp trực tuyến với của Chính phủ với các địa phương về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội ngày vừa qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã đưa ra nhiều đề xuất về chương trình phát triển nhà ở xã hội cũng như các thông tin kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp, người mua nhà.
Trong chương trình trên, HoREA cũng đưa ra đề xuất về việc hỗ trợ các chủ nhà trọ trong việc phát triển xây dựng đáp ứng nhu cầu ở, sinh sống của người dân, công nhân trên địa bàn.
Chủ tịch HoREA cho rằng, chủ nhà trọ đang góp phần quan trọng trong việc giải quyết chỗ ở ngày càng có chất lượng tốt hơn cho công nhân, lao động, người nhập cư.
Do đó, đề nghị bổ sung nhóm này được hưởng chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi khi tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà cho thuê phù hợp với từng địa phương.
“Hiệp hội nhận thấy, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn tại các đô thị, trước hết là tại các thành phố trực thuộc Trung ương và các tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa cao, nhưng cần phải nghiên cứu kỹ để phát triển các loại nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu của người dân tại từng địa phương, tránh tình trạng nhà ở xã hội bị ‘ế’ như đã xảy ra tại một số địa phương”, ông Châu nhận định.
Theo tham luận của HoREA, Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh đã khảo sát, điều tra xã hội học, kết quả cho thấy có đến khoảng 60% công nhân, lao động nhập cư chỉ có nhu cầu thuê nhà trọ với giá thuê phòng trọ chỉ tầm khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng/tháng và chỉ chịu đựng nổi chi phí thuê nhà tầm khoảng 20% thu nhập hàng tháng và chỉ muốn làm việc trong khoảng 10-15 năm rồi trở về quê.
Trong lúc còn rất thiếu các khu nhà lưu trú công nhân, ký túc xá của Nhà nước hoặc của doanh nghiệp đầu tư thì đã có đến khoảng 60.470 cá nhân, hộ gia đình đã đầu tư xây dựng các khu nhà trọ với nhiều phòng trọ cho thuê hoặc nhà ngăn phòng cho thuê với tổng số khoảng 560.219 phòng trọ.
Bao gồm, 38.800 khu nhà trọ (tập trung) với 357.246 phòng trọ và 25.670 nhà (căn hộ) ngăn phòng cho thuê với 202.973 phòng trọ, góp phần giải quyết nhu cầu thuê phòng trọ cho hơn 1,4 triệu công nhân, lao động, người nhập cư và có cả thành phần trí thức, chuyên viên thuê nhà trọ.
Chính vì vậy, HoREA kiến nghị rất cần bổ sung chính sách “Nhà nước hỗ trợ về nhà ở” đối với các “chủ nhà trọ” trong việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhà ở, trong đó đề nghị xem xét giảm bớt một chút mức “thuế khoán” thuế thu nhập cá nhân đang áp dụng bằng 7%/doanh thu dối với các chủ nhà trọ hiện nay là khá cao, chưa thật hợp tình hợp lý.
Do vậy, cần bổ sung thêm chính sách ưu đãi thuế để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Mức thuế thu nhập cá nhân đề xuất là 5%/doanh thu.
Giảm doanh thu, cho thuê giá rẻ nếu được tiếp cận vốn
Theo một số chuyên gia, hiện nay không phải ai cũng có đủ tiềm lực để mua nhà ở thương mại, trong khi đó nhà ở xã hội hiện tại không nhiều, thủ tục chờ đợi lâu. Giải quyết trước mắt chỗ ở lâu nay cho người lao động trên địa bàn thành phố chính là các chủ trọ.
Nếu các chủ trọ được tiếp cận vốn vay, Nhà nước cần có quy định cụ thể cho các hộ được vay. Ví dụ nếu được vay ưu đãi thì phải chuẩn bị đủ các quy trình giấy tờ thủ tục như vốn tự có của chủ kinh doanh, xây dựng ở đâu, quy trình xây dựng, quy mô, tính toán chi phí… và có sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan chức năng.
Đặc biệt, những chủ kinh doanh khi cho thuê phải cam kết giảm giá, tính toán phù hợp lợi nhuận thấp thì mới được tiếp cận với nguồn vốn này.
Ông Nguyễn Hồng Hải (ngụ quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh), hiện đang kinh doanh nhà trọ tại quận 7 cho biết: “Tôi rất ủng hộ đề xuất cho chủ nhà trọ được tiếp cận vốn vay, giảm lãi xuất, điều này sẽ giúp cho những chủ kinh doanh nhà trọ như tôi phát triển thêm được nhà trọ phục vụ nhu cầu sinh sống của người dân, công nhân, sinh viên trên địa bàn Thành phố”.
“Tất nhiên chúng tôi hiểu rõ việc được tiếp cận ngân sách và tín dụng thấp sẽ là cả quá trình và khó. Tuy nhiên, nếu được Nhà nước quan tâm hỗ trợ thì những chủ trọ như chúng tôi sẽ làm cam kết.
Cụ thể, chúng tôi sẽ đưa ra phương án xây dựng nhà trọ, quy mô, chi phí xây dựng, nhân công… dựa trên việc cho vay vốn sẽ tính ra phần gốc lãi trong vòng bao nhiêu năm từ đó tính toán và cam kết cho người dân, công nhân thuê nhà trong mức vừa phải, chủ nhà trọ sẽ thu về lợi nhuận thấp.
Điều này vừa thể hiện được rằng khi chúng tôi được hỗ trợ thì chắc chắn sẽ hỗ trợ lại những người dân, công nhân khó khăn”, ông Hải chia sẻ.
Cũng đang có hơn 50 phòng trọ cho thuê tại thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), ông Phan Hữu Định, 67 tuổi cho biết: “Tôi kinh doanh nhà trọ đã hơn 20 năm nay, nhà trọ thì xây dựng trên đất của gia đình và đi vay thêm ngân hàng để xây dựng và sau đó cho thuê lại. Những chi phí liên quan đến vận hành một khu nhà trọ khá tốn kém và thu về cũng thấp. Đối tượng thuê chủ yếu là anh chị em công nhân viên trong khu vực nên lợi nhuận cũng không cao, nhưng tính ra thì thu nhập ổn định”.
“Đọc thông tin báo đài thì được biết có đề xuất cho chủ trọ kinh doanh tiếp cận vốn vay theo ưu đãi giống ngân hàng chính sách xã hội. Điều này nếu được áp dụng thì quá tốt, chúng tôi rất mong được tiếp cận nguồn vốn này để phát triển thêm nhà trọ cho bà con. Tất nhiên, chúng tôi cũng sẽ cam kết bằng câu chuyện xây dựng đúng như thủ tục và giảm giá cho thuê để phục vụ nhu cầu ở của người dân tốt hơn”, ông Định chia sẻ.
Bộ Xây dựng cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà xã hội, trong đó hộ gia đình, cá nhân được vay vốn ưu đãi.
Dự thảo Nghị định nêu rõ, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở để đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê thì được vay vốn ưu đãi theo quy định, thời hạn lãi suất cho vay này tương tự chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Theo đó, mức vốn vay tối đa 80% tổng mức đầu tư dự án, thời hạn cho vay tối thiểu 15 năm và không quá 20 năm. Lãi suất cho vay áp dụng theo ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ.
Bên cạnh đó, dự thảo còn đưa ra một số quy định điều kiện được vay vốn như: Có dự án đầu tư phát triển nhà ở xã hội đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; Đã có quyết định giao đất hoặc đã có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; Đã được cấp Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải cấp Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng; Có mức vốn tối thiểu tham gia vào dự án, phương án vay theo quy định của tổ chức tín dụng cho vay; Thực hiện bảo đảm tiền vay, thế chấp vay vốn theo quy định của pháp luật….