Theo Bộ GTVT, chính sách này nhằm mục tiêu tăng cường kết nối đường sắt với các phương thức vận tải khác để phát huy thế mạnh của vận tải đường sắt trong vận tải hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, cự ly trung bình đến cự ly dài.
Điều chỉnh quy định về một số loại hình giao cắt đường sắt với đường bộ và xây dựng công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt phù hợp với thực tiễn.
Cụ thể, Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định cảng hàng không quốc tế có công suất từ 30 triệu hành khách/năm trở lên, cảng biển đặc biệt và cảng biển loại I phải có kết nối đường sắt (đối với các tỉnh/thành phố có tuyến đường sắt quốc gia đi qua địa bàn); khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối đường sắt với cảng cạn, cảng thủy nội địa, các khu đầu mối hàng hóa lớn.
Khi thực hiện đầu tư, xây dựng các dự án phải dành quỹ đất để thực hiện việc kết nối đường sắt; các tổ chức, cá nhân đầu tư đường sắt kết nối được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực đường sắt như miễn tiền thuê đất đối với phạm vi đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt kết nối.
Cùng đó, bổ sung quy định đô thị loại I trở lên nếu có đường sắt quốc gia đi qua, ga hành khách phải đặt ở khu vực trung tâm để thuận tiện cho hành khách đi lại, tránh phải trung chuyển. Trường hợp ga đầu mối (đối với ga hành khách) của tuyến đường sắt quốc gia nằm ngoài trung tâm đô thị thì tuyến đường sắt đô thị kết nối từ ga trung tâm đến ga đầu mối phải đáp ứng cho tàu khách quốc gia chạy cùng trên hạ tầng đường sắt đô thị; ga trung tâm đô thị phải bố trí khu vực đón tiễn cho tàu khách quốc gia.
Bổ sung quy định ga trung tâm và ga đầu mối (ga hành khách) quốc gia phải kết nối với các phương thức vận tải hành khách đô thị để gom, giải tỏa hành khách.
Bộ GTVT cũng đề xuất sửa đổi các quy định về đầu tư các vị trí giao cắt giữa đường sắt và đường bộ theo hướng: Đối với tuyến đường sắt xây dựng mới (trừ loại hình xe điện chạy trên mặt đất), phải giao cắt khác mức với đường bộ; phải xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào ngăn cách ngoài phạm vi hành lang an toàn đường sắt.
Đối với tuyến đường sắt hiện tại, bổ sung trường hợp được phép xây dựng các nút giao cùng mức, xây dựng một số công trình thiết yếu trong phạm vi đất dành cho đường sắt.
Về lý do đề xuất chính sách này, Bộ GTVT cho hay, Luật Đường sắt 2017 thiếu quy định ràng buộc kết nối đường sắt với cảng biển, cảng hàng không, khu kinh tế; cùng đó quy hoạch phát triển đô thị chưa đồng bộ với quy hoạch phát triển đường sắt, dẫn đến đường sắt không thể kết nối trực tiếp với các đầu mối giao thông, phải thực hiện trung chuyển làm tăng chi phí vận tải. Mặt khác, nhiều chủ đầu tư không dành đất để kết nối đường sắt trong quá trình đầu tư dự án.
Cũng theo Bộ GTVT, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ga hành khách đường sắt quốc gia được đặt ở khu vực trung tâm của đô thị, nhờ đó hành khách có thể đi thẳng từ trung tâm ra vùng ngoại ô mà không phải chuyển tàu và không có hiện tượng tích tụ, dồn ứ một lượng lớn hành khách tại các ga trung chuyển giữa đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia. Đây là giải pháp rất hiệu quả để giải quyết vấn đề giao thông đô thị hiện nay.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-cang-bien-loai-i-phai-co-ket-noi-duong-sat-192240118170717207.htm