Cốt lõi của trường học hạnh phúc, ngay bản thân giáo viên và học sinh phải cảm thấy hạnh phúc và được tôn trọng.
Nhiều trường đang hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc. (Ảnh: Nguyệt Hà) |
Thời gian qua, câu chuyện trẻ chịu áp lực học tập, nhiều vụ trẻ tự tử gây xôn xao dư luận, không ít vụ bạo lực học đường, cả thầy lẫn trò đều tổn thương… Từ nhiều năm nay, không ít người đề cập vấn đề làm sao để xây dựng trường học hạnh phúc, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Vậy làm sao để xây dựng được trường học hạnh phúc là câu chuyện không dễ.
Chia sẻ với TG&VN, GS. Hà Vĩnh Thọ, nhà sáng lập Học viện Eurasia vì hạnh phúc và an lạc; nguyên Giám đốc chương trình của Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc gia tại Bhutan cho rằng, hạnh phúc chính là sống một cuộc đời có ý nghĩa, không chỉ cho bản thân mà còn vì người khác và có những đóng góp giá trị cho xã hội. Giáo dục không chỉ là việc vượt qua các kỳ thi mà quan trọng hơn là dạy học sinh cách cảm nhận, thích nghi và sống một cuộc đời hạnh phúc.
Theo GS. Hà Vĩnh Thọ, chúng ta đang sống trong thời đại số. Nhưng để tự tin đối mặt với tương lai, chúng ta cần suy nghĩ lại về vai trò, phương pháp và chức năng của giáo dục, nhằm trang bị cho giới trẻ những kỹ năng và năng lực cần thiết để đáp ứng những thách thức này.
Các kỳ thi, điểm số, giải thưởng không phải là mục tiêu cuối cùng. Mục đích của giáo dục là giúp người trẻ phát huy hết tiềm năng, trí tuệ, tình cảm và có thể cạnh tranh thành công trong thời đại số. Muốn vậy, cần trang bị cho các em những kỹ năng, năng lực cần thiết.
Đặc biệt, trong thời đại của trí tuệ nhân tạo (AI), kiến thức thôi là chưa đủ. Học sinh cần các kỹ năng xã hội, kỹ năng cảm xúc, sáng tạo và khả năng làm việc nhóm, khả năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Giáo viên và học sinh không nên tập trung quá nhiều vào việc vượt qua các kỳ thi mà hãy dạy và học các kỹ năng và năng lực để thế hệ sau sẽ cần để trở thành những người tốt, sáng tạo và tự tin.
“Khi người thầy được tôn trọng, được chủ động trong công việc giảng dạy, khi người thầy không phải chịu quá nhiều áp lực, trong đó có áp lực ‘cơm áo gạo tiền’, mới mong người thầy hạnh phúc. Từ đó, người thầy mới truyền sự hạnh phúc, tích cực nơi học sinh. Khi học sinh không chịu áp lực điểm số, thi cử, luôn được tôn trọng sự khác biệt, được học trên tinh thần khám phá tri thức thì khi đó, các em mới cảm thấy hạnh phúc”. |
Nhiều trường vẫn đang trên hành trình xây dựng trường học hạnh phúc. Nhưng theo nhiều chuyên gia đánh giá, đây là việc không hề dễ dàng. TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhận định, những khó khăn cơ bản khi xây dựng trường học hạnh phúc đó là Hiệu trưởng chưa xác định được mục tiêu giáo dục để từ đó truyền cảm hứng cho giáo viên và học sinh. Nếu người quản lý không xác định được mục tiêu giáo dục của nhà trường, chạy đua thành tích, giao chỉ tiêu vượt quá khả năng của giáo viên, học sinh thì sẽ tạo nên áp lực rất lớn.
Thực tế, thầy cô và học sinh vẫn đang phải đối diện với nhiều áp lực, kỳ vọng từ lãnh đạo, xã hội, phụ huynh. Từ việc giao chỉ tiêu theo hướng áp đặt, chạy đua thành tích, danh hiệu, rồi tới áp lực từ phụ huynh… Bên cạnh áp lực công việc, nhiều thầy cô còn phải sống nỗi lo “cơm áo gạo tiền” khi đồng lương đứng lớp vẫn còn quá khiêm tốn. Một khi người thầy còn chật vật với hạnh phúc của chính mình thì họ còn bao nhiêu thời gian để quan tâm đến hạnh phúc của người trò?
Do đó, TS. Nguyễn Tùng Lâm trăn trở, không thể có những đứa trẻ hạnh phúc khi phụ huynh phó mặc con cho nhà trường, hoặc xem thầy cô như một công cụ thay mình giám sát con, thực thi những kỳ vọng của mình với con không hơn không kém. Xã hội cần có cái nhìn đúng về những áp lực, vất vả của người giáo viên.
Thực tế hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên vẫn chưa được quan tâm đúng mức, áp lực tứ phía bủa vây khiến họ chưa hẳn thực sự cảm thấy hạnh phúc trong hành trình “gieo mầm con chữ”. Cần thiết có chế độ đãi ngộ xứng đáng để mỗi thầy cô yên tâm và thêm động lực cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Bởi nếu khi người giáo viên còn chật vật với hạnh phúc của họ thì làm sao có thể mang tới hạnh phúc cho học trò của mình?
Có thể nói, học sinh thời nay có thể dễ dàng tìm kiếm kiến thức và thông tin trong thời đại Internet. Vì vậy, các em phải phát triển sự hiểu biết về bản thân, tư duy phản biện, tính sáng tạo và khả năng làm việc nhóm. Cần tập trung vào khả năng và thế mạnh riêng của học sinh, tạo ra bầu không khí lớp học tích cực. Trường học không chỉ phục vụ những học sinh tài năng nhất mà còn phải đảm bảo rằng không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
Hơn thế, để học sinh cảm thấy vui vẻ khi đến trường, ngay bản thân giáo viên cũng phải thay đổi về tư duy giáo dục. Tất nhiên, có không ít rào cản trong hành trình xây dựng niềm hạnh phúc của giáo viên. Do đó, trường học càng phải đề cao các giá trị đạo đức, thầy ra thầy, trò ra trò.
Tại Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định: “Việc xây dựng trường học hạnh phúc là một quá trình phức tạp, lâu dài. Không thể giải quyết nó trong vài tháng hoặc vài năm. Vì vậy các cơ sở giáo dục cần bình tĩnh, xem cái gì thiết thực cần làm trước. Làm đúng các tiêu chí của trường học hạnh phúc nhưng khi hỏi học sinh, các em nói không hạnh phúc thì cũng chẳng có ý nghĩa gì”.
Khi người thầy được tôn trọng, được chủ động trong công việc giảng dạy, khi người thầy không phải chịu quá nhiều áp lực, trong đó có áp lực “cơm áo gạo tiền”, mới mong người thầy hạnh phúc. Từ đó, người thầy mới truyền sự hạnh phúc, tích cực nơi học sinh. Khi học sinh không chịu áp lực điểm số, thi cử, luôn được tôn trọng sự khác biệt, được học trên tinh thần khám phá tri thức thì khi đó, các em mới cảm thấy hạnh phúc…