(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2013, huyện Ba Tơ có 5 xã và 1 thị trấn được Thủ tướng Chính phủ công nhận là vùng An toàn khu (ATK) của trung ương ở Quảng Ngãi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trên cơ sở đó, trung ương và tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Hành trình 10 năm
Đến thời điểm này là tròn 10 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận 5 xã của huyện Ba Tơ gồm Ba Vinh, Ba Giang, Ba Động, Ba Chùa, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ thuộc vùng ATK của trung ương ở Quảng Ngãi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh Quảng Ngãi lập, phê duyệt đề án nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân vùng căn cứ cách mạng. Năm 2020, trung ương quyết định sáp nhập xã Ba Chùa vào thị trấn Ba Tơ và xã Ba Dinh. Từ đó, vùng ATK Ba Tơ chỉ còn 4 xã là Ba Vinh, Ba Giang, Ba Động, Ba Thành và thị trấn Ba Tơ.
Một góc thị trấn Ba Tơ nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC |
Vùng ATK Ba Tơ nằm trên trục Quốc lộ 24 khá nhộn nhịp, đặc biệt là thị trấn Ba Tơ. Những con đường đẹp, khang trang được đầu tư xây dựng tại trung tâm đô thị Ba Tơ cũng chính là đầu tư cho vùng ATK, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Đó là các tuyến đường Trần Quý Hai, 30/10, Trần Toại… Nhà cửa dọc 2 bên Quốc lộ 24 khang trang; những cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu được hình thành, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, thương mại, mang lại nhiều tiện ích cho người dân vùng ATK. Tuyến đường lớn nối huyện Ba Tơ và Minh Long được đầu tư, tạo sự kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển cho các xã Ba Thành, Ba Vinh nói riêng và vùng ATK nói chung. Tuyến đường về các di tích lịch sử cũng bước đầu được đầu tư như đường Ba Vinh – Nước Lá – hang Vọt Rẹp…
Vùng ATK Ba Tơ hiện còn được chú trọng sản xuất, phát triển nghề truyền thống. Đó là thổ cẩm Làng Teng, xã Ba Thành. Từ sản xuất thủ công các loại trang phục của đồng bào dân tộc Hrê, với hoa văn độc đáo đã mang đến sự thú vị, hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Giờ đây, thổ cẩm Làng Teng trở thành sản phẩm hàng hóa đặc biệt, không chỉ cung cấp cho người dân địa phương, mà đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của người tiêu dùng khắp cả nước. Mới đây, tỉnh Bình Định đã đặt hàng thổ cẩm Làng Teng làm quà tặng cho đại biểu nhân một hội nghị quan trọng. Đặc biệt, tháng 3/2023, thổ cẩm Làng Teng còn được đưa vào quà tặng khi Đoàn công tác của tỉnh đến thăm, làm việc tại 3 tỉnh là Attapeu, Champasak và Sekong (Lào). Có thể khẳng định, nghề dệt thổ cẩm Làng Teng ngày càng phát triển, mang lại việc làm, thu nhập đáng kể cho một bộ phận người dân nơi đây.
Vùng ATK Ba Tơ còn là nơi lưu giữ nhiều điểm di tích lịch sử đặc biệt, cảnh quan thơ mộng thu hút khách du lịch. Đó là Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, gắn liền với Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ ngày 11/3/1945 và sự ra đời, hoạt động của Đội du kích Ba Tơ anh hùng; núi và thác Cao Muôn hùng vĩ; những cánh đồng bậc thang, bao quanh ngôi làng của người Hrê bên sườn núi. Không những vậy, nơi đây có sông Liên là thượng nguồn sông Vệ – một trong bốn dòng sông lớn của Quảng Ngãi. Thắng cảnh ấy tạo nên một điểm đến hấp dẫn của vùng ATK Ba Tơ, bắt đầu từ cụm di tích lịch sử cuộc khởi nghĩa Ba Tơ tại thị trấn Ba Tơ, sau đó về Làng Teng, xã Ba Thành, rồi ngược lên Ba Vinh ngắm núi Cao Muôn, trải nghiệm dòng nước mát của ngọn thác hùng vĩ…
Còn nhiều trăn trở
Thị trấn Ba Tơ là trung tâm vùng ATK, là động lực phát triển của huyện. Thị trấn Ba Tơ được thành lập đã 35 năm và được công nhận là đô thị loại V cách đây 6 năm, nhưng hiện nhiều tiêu chí vẫn chưa đạt. Những tuyến đường đầu tư tại thị trấn Ba Tơ hầu hết phải chia thành nhiều giai đoạn, vì thiếu vốn. Không ít tuyến đường, đoạn trước và sau đầu tư cách nhau đến 10 năm. Mặt khác, khi sáp nhập một phần xã Ba Chùa về thị trấn Ba Tơ, nhưng mới chỉ có sự thay đổi về địa giới hành chính, còn thực tế khu vực xã Ba Chùa cũ chưa được đầu tư nhiều. Nhiều tuyến đường hẹp, xuống cấp; đường dẫn về các khu dân cư là đường đất…
Chúng tôi về thị trấn Ba Tơ – khu vực bên này sông Liên, những tuyến đường nhựa đầu tư dang dở, dẫn đến bến sông nhưng phải lắp barie cảnh báo vì đường chưa được kết nối với cầu. Trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh về tình trạng này, được biết đây là những tuyến đường đầu tư chủ yếu bằng ngân sách của huyện và kinh phí thuộc nguồn ATK. Tuy nhiên, do vốn ít nên chỉ đầu tư nhỏ giọt, không đầu tư liên tuyến được. Còn việc đường phải gắn barie là để cảnh báo người dân lưu ý đảm bảo an toàn khi lưu thông. Huyện đã xây dựng kế hoạch đầu tư một cây cầu bắc qua sông Liên, kết nối tuyến đường nhựa này với đường Ba Chùa – Hành Tín Tây, tạo động lực phát triển cho cả vùng, nhưng chưa có kinh phí nên chưa thể triển khai thực hiện.
Được biết, Huyện ủy Ba Tơ đã ban hành Nghị quyết số 02 về phát triển đô thị gắn với quản lý sử dụng đất tại các khu vực đô thị, giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu đề ra là xây dựng đô thị thị trấn Ba Tơ theo hướng hiện đại, văn minh, đồng bộ; phấn đấu đến năm 2025 đạt 46/49 tiêu chí đô thị loại V và đạt thêm từ 5 – 8 tiêu chí đô thị loại IV. Đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị loại V và đạt thêm từ 10 – 15 tiêu chí đô thị loại IV. Tuy nhiên, việc thực hiện nghị quyết này vẫn còn hạn chế, do thiếu nguồn lực đầu tư.
Mong ước của người dân
Về thăm vùng ATK Ba Tơ, gặp gỡ người dân, ai cũng mong muốn địa phương có những tuyến đường đẹp, khang trang để thuận tiện cho việc đi lại, giao thương. “Nhà tôi ở đối diện với chợ Ba Tơ, nhưng không có cầu nên mỗi lần đến chợ phải đi vòng xa hơn 10km. Nếu có cầu, thì chỉ đi chừng 1km là tới chợ. Con cháu đi học hiện cũng phải đi vòng. Mùa lũ nước sông dâng cao có khi còn phải nghỉ học vì cầu cũ rồi, không an toàn. Tôi mong có con đường bê tông dẫn về khu dân cư, rồi có cây cầu bắc qua sông Liên”, bà Đinh Thị Ôi, ở tổ dân phố 7, thị trấn Ba Tơ, cho biết.
Do thiếu nguồn lực đầu tư, nhiều tuyến đường ở vùng An toàn khu thị trấn Ba Tơ thi công dở dang. Ảnh: Thanh Nhị |
Tại thôn Làng Teng, xã Ba Thành, người dân cũng hy vọng Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng đường giao thông về các khu dân cư, để đi lại thuận tiện, thu hút khách du lịch, giúp bảo tồn văn hóa và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Các di tích cách mạng trên địa bàn ATK cũng cần được tôn tạo như hang động, hầm hào, công sự, trạm kỹ thuật, xưởng công binh; phục dựng các di tích lịch sử, nhằm phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của vùng ATK.
Cần nâng mức đầu tư
Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Xuân Vinh, mong ước của người dân vùng ATK Ba Tơ đã có trong chính sách dành cho vùng ATK được Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, mỗi năm ngân sách chỉ cấp 2 tỷ đồng/xã, thị trấn vùng ATK Ba Tơ. Vì thế, không thể đầu tư cùng lúc nhiều công trình, cũng không thể đầu tư công trình có kinh phí lớn. Huyện kiến nghị cấp trên nâng mức đầu tư cho vùng ATK, để từng bước đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội, du lịch, xây dựng nông thôn mới ở các xã ATK.
|
THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: